Khi nào giao dịch dân sự bị vô hiệu? Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì?

Khi nào giao dịch dân sự bị vô hiệu? Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì? Giao dịch dân sự thể hiện thông qua những hình thức nào?

Khi nào giao dịch dân sự bị vô hiệu?

Tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

Như vậy, một giao dịch dân sự bị vô hiệu là khi không đáp ứng một trong các điều kiện sau, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khác. Cụ thể:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Khi nào giao dịch dân sự bị vô hiệu? Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì? (Hình từ Internet)

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là gì?

Tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Theo đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Giao dịch dân sự thể hiện thông qua những hình thức nào?

Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hình thức giáo dịch dân sự như sau:

Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Theo quy định này, giao dịch dân sự thể hiện thông qua các hình thức sau:

- Bằng lời nói.

- Bằng văn bản.

- Bằng hành vi cụ thể.

Ngoài ra, giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Người thứ ba ngay tình sẽ được bảo vệ những quyền lợi gì?

Tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình được quy định cụ thể là:

- Nếu là giao dịch là tài sản không phải đăng ký thì giao dịch đó không bị vô hiệu trừ khi:

+ Tài sản đó có được từ một hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản

+ Tài sản đó là tài sản bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu

- Nếu là tài sản phải đăng ký mà chưa đăng ký thì cần thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện sau:

+ Tài sản đó phải do người thứ ba ngay tình có được từ đấu giá hợp pháp

+ Tài sản có được do người không có quyền định đoạt bị mất quyền định đoạt đối với tài sản vì bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền bị hủy, sửa.

- Chủ sở hữu tài sản không thể đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch dân sự của người thứ ba ngay tình thực hiện không bị vô hiệu

Cùng chủ đề
lawnet.vn
Trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu mới nhất 2024? Giao dịch dân sự vô hiệu có hậu quả pháp lý gì?
lawnet.vn
Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không?
lawnet.vn
Căn cước điện tử được hiểu như thế nào? Được cấp tối đa bao nhiêu thẻ căn cước điện tử?
lawnet.vn
Khi nào áp dụng thừa kế theo pháp luật? Người thừa kế nào không phụ thuộc vào nội dung của di chúc?
lawnet.vn
Đăng ký thường trú tại nhà thuê phải đáp ứng điều kiện gì? Hồ sơ đăng ký thường trú tại nhà thuê gồm có những gì?
lawnet.vn
Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nào?
lawnet.vn
Hồ sơ công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam gồm những giấy tờ gì?
lawnet.vn
Mẫu tờ khai ghi chú kết hôn mới nhất 2024 và cách ghi?
lawnet.vn
Chứng từ điện tử bao gồm những loại nào? Chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử có giá trị như bản gốc không?
lawnet.vn
Danh mục bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự năm 2024?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;