Kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp

Ông A là người phải thi hành án cho bà B. Để thi hành vụ việc trên Chi cục THADS huyện M đã tiến hành kê biên tài sản của ông A theo quy định tại Điều 90 Luật THADS - Tài sản này ông A đang thế chấp tại Ngân hàng. Sau khi tiến hành các thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá, bà B là người mua trúng tài sản đấu giá. Lúc này hợp đồng tín dụng giữa ông A và Ngân hàng chưa đến hạn nhưng sau khi cơ quan THA kê biên tài sản của ông A thì Ngân hàng đã gửi công văn đến cơ quan THA đề nghị phối hợp thu hồi nợ và ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng. Sau khi bán tài sản, cơ quan THA đã thanh toán tiền cho Ngân hàng, số tiền còn lại để thi hành các khoản phải THA theo quy định. Tuy nhiên sau khi tài sản bị bán đấu giá, ông A đã khởi kiện Chi cục THADS đề nghị Tòa án hủy Quyết định kê biên, biên bản kê biên, hợp đồng bán đấu giá tài sản giữa Chi cục THADS với công ty bán đấu giá, đề nghị hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa công ty bán đấu giá và bà B là người mua trúng tài sản; Tòa án sơ thẩm thụ lý vụ việc trên và xem xét toàn bộ quá trình thi hành án của cơ quan THADS. Sau đó tuyên hủy yêu cầu khởi kiện của ông A. Ông A tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án Phúc thẩm xét xử cho rằng cơ quan THA được phép kê biên tài sản của người phải THA nhưng không được xử lý tài sản đã kê biên khi hợp đồng tín dụng chưa đến hạn và không coi công văn Ngân đề nghị phối hợp thu hồi nợ của Ngân hàng là sự đồng ý của Ngân hàng để cơ quan THA xử lý tài sản đang cầm cố. Do vậy Tòa Phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại do chưa làm rõ ý kiến của Ngân hàng.Hiện nay Tòa án sơ thẩm đã thụ lý lại vụ việc đẻ xét xử lại. Vụ việc kéo dài khiến cơ quan THA không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá, gây tổn thất cho người mua trúng đấu giá cũng là người được THA. Qua vụ việc trên tôi có những câu hỏi như sau: - Theo quy định tại Điều 90 Luật THADS thì cơ quan THA kê biên tài sản của ông A đang thế chấp tại Ngân hàng khi hợp đồng tín dụng chưa đến hạn có đúng không? - Khi xử lý tài sản kê biên pháp luật có quy định phải được sự đồng ý của Ngân hàng hay không? Công văn đề nghị phối hợp thu hồi nợ của Ngân hàng gửi cơ quan THA có được coi là sự đồng ý của Ngân hàng không? - Nếu cơ quan THA được phép kê biên tài sản của ông A theo Điều 90 Luật THADS thì theo quy định tại Điều 101 về bán tài sản đã kê biên thì việc cơ quan THA bán đấu giá tài sản của ông A không quy định việc hợp đồng tín dụng phải đến hạn và Ngân hàng phải đồng ý cho bán tài sản thì cơ quan THA mới được bán. Vậy việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cơ quan THA bán tài sản của ông A khi chưa được sự đồng ý của Ngân hàng có đúng không? - Tòa án có thẩm quyền xem xét quá trình THA của cơ quan THA hay không?

Vụ việc bạn hỏi có nhiều tình tiết, nội dung nhưng do không có hồ sơ cụ thể nên chúng tôi không khẳng định đúng sai. Tuy nhiên, chúng tôi trao đổi theo từng vấn đề bạn đặt ra như sau:

1. Cơ quan thi hành án dân sự kê biên tài sản của ông A đang thế chấp tại Ngân hàng khi hợp đồng tín dụng chưa đến hạn có đúng không?

Điều 90 Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án thì Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự.

Theo quy định nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp hợp pháp trước khi có bản án, quyết định của Tòa án để thi hành án, với 02 điều kiện: Thứ nhất, người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án; thứ hai, tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Ví dụ ngày 01/12/2014  ông A thế chấp ngôi nhà trị giá 5 tỷ đồng cho Ngân hàng để vay số tiền 3 tỷ đồng, thời hạn vay 12 tháng kể từ ngày 01/12/2014. Ngày 01/3/2015, bà B khởi kiện đòi ông A khoản nợ 01 tỷ đồng, tại Bản án số 01/DSST ngày 01/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện T buộc ông A phải trả cho bà B khoản nợ 01 tỷ đồng. Ngày 15/5/2015, Bà B yêu cầu hti hành án. Cơ quan thi hành án dân sự xác định ngôi nhà ông A thế chấp cho Ngân hàng đến thời điểm ngày 15/5/2015 trị giá 7,5 tỷ đồng; khoản nợ của ông A với Ngân hàng đến thời điểm đó cả gốc và lãi là 3,5 tỷ đồng; chi phí cưỡng phí cưỡng chế thi hành án khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ngôi nhà nêu trên, ông A không còn tài sản khác có giá trị để thi hành án. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên, xử lý ngôi nhà của ông A để thi hành án mặc dù hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản giữa ông A và Ngân hàng chưa đến hạn (01/12/2015).

2. Khi xử lý tài sản kê biên pháp luật có quy định phải được sự đồng ý của Ngân hàng hay không? Công văn đề nghị phối hợp thu hồi nợ của Ngân hàng gửi cơ quan THA có được coi là sự đồng ý của Ngân hàng không?

Pháp luật quy định cơ quan thi hành án dân sự được quyền kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp hợp pháp để thi hành án, do đó không bắt buộc Ngân hàng phải đồng ý mới được kê biên. Tuy nhiên, khi kê biên tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho Ngân hàng nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên Ngân hàng nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán tiền gốc, lãi và cá khoản khác của hợp đồng tín dụng đã ký. Trường hợp Ngân hàng có văn bản đề nghị phối hợp thu hồi nợ của Ngân hàng gửi cơ quan thi hành án dân sự thì đó sự đồng ý của Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp bảo đảm thi hành án.

3. Cơ quan thi hành án dân sự được phép kê biên tài sản của ông A theo Điều 90 Luật Thi hành án dân sự, vì thế thực hiện việc bán tài sản đã kê biên theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự nên không cần Ngân hàng phải đồng ý cho bán tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự mới được bán. Việc Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cơ quan thi hành án dân sự bán tài sản của ông A khi chưa được sự đồng ý của Ngân hàng đúng thực tế nhưng pháp luật quy định cơ quan thi hành án dân sự được bán đấu giá theo trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản đã kê biên để thi hành án.

4. Tòa án có thẩm quyền xem xét quá trình thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự hay không?

Quá trình thi hành án dân sự phải tuân thủ trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Hành vi của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thi hành việc thi hành án chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân và có thể bị khiếu nại, tố cáo. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong hoạt động thi hành án dân sự có một số việc Tòa án giải quyết, như: Giải quyết tranh chấp tài sản đã kê biên, xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản, tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản.v.v. Vì vậy, khi giải quyết việc đó Tòa án xem xét quá trình thi hành án liên quan để đảm bảo giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật và thực tế là cần thiết.

Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Danh mục các bệnh về thần kinh không đi nghĩa vụ quân sự 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 là khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Danh mục ngành, nghề chuyên môn của công dân nữ phù hợp yêu cầu Quân đội nhân dân năm 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Danh mục các bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự năm 2025?
lawnet.vn
Trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu mới nhất 2024? Giao dịch dân sự vô hiệu có hậu quả pháp lý gì?
lawnet.vn
Thẻ căn cước có được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh không?
lawnet.vn
Căn cước điện tử được hiểu như thế nào? Được cấp tối đa bao nhiêu thẻ căn cước điện tử?
lawnet.vn
Khi nào áp dụng thừa kế theo pháp luật? Người thừa kế nào không phụ thuộc vào nội dung của di chúc?
lawnet.vn
Đăng ký thường trú tại nhà thuê phải đáp ứng điều kiện gì? Hồ sơ đăng ký thường trú tại nhà thuê gồm có những gì?
lawnet.vn
Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nào?
Tác giả: LawNet
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;