Thành lập công đoàn cơ sở theo đúng quy định
Thành lập công đoàn cơ sở theo đúng quy định. Công ty tôi trước đây là chi nhánh của 1 Công ty TNHH MTV thuộc cơ quan nhà nước. Công ty mẹ đặt tại TpHCM, Chi nhánh đặt tại Dĩ An Bình Dương. Và Chi nhánh tham gia và trích đoàn phí công đoàn thông qua Công ty mẹ. Hiện nay, Chi nhánh đã chuyển đổi và tách ra thành lập Công ty CP có trụ sở tại Dĩ An Bình Dương vẫn địa chỉ cũ , Công ty mẹ có gop 10%. vì vậy, tôi muốn hỏi rằng: Nếu Công ty CP mới thành lập này có thể tiếp tục tham gia công đoàn như cũ được không (tức là Công đoàn Cty CP tham gia chung với Công đoàn Công ty TNHH)? Vì Sở Liên đoàn lao động tại Dĩ An Bình Dương có đề nghị Công ty CP tham gia Công đoàn tại Dĩ An Bình Dương. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!
Theo quy định tại Điều 6 Luật công đoàn 2012 về nuyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn:
"1. Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước."
Đồng thời, theo quy định tại Điều 7 Luật công đoàn 2012 về hệ thống tổ chức công đoàn:
"Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam."
Và theo quy định tại Điều 189 Luật doanh nghiệp 2014 về công ty mẹ, công ty con:
"1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này."
Có thể thấy, công ty bạn là do từ một chi nhánh của một công ty khác tách ra và có 10% vốn góp của công ty này thì mối quan hệ của công ty gốc với công ty bạn không được coi là công ty mẹ, công ty con. Nên khi 2 pháp nhân độc lập với nhau thì không thể thực hiện việc quan lý chung bởi một tổ chức công đoàn, do đó, công ty bạn nếu có nhu cầu thì cân phải thành lập một tổ chức công đoàn riêng tại công ty mình.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thành lập công đoàn cơ sở theo đúng quy định. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật công đoàn 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!