Mẫu Nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy công lập năm 2023 được quy định như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 03/03/2023

Xin hỏi có mẫu Nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy công lập hay không? Xin được nhận bản mẫu này. - Câu hỏi của Hà Vinh (Nghệ An).

    • Mẫu Nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy công lập năm 2023 được quy định như thế nào?

      Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023) quy định như sau:

      Nội quy, quy chế tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập

      1. Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy công lập chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế sau:

      a) Nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy công lập theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I Thông tư này;

      ...

      Theo Mẫu số 01 Phụ lục I Mẫu Nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma tuý công lập ban hành kèm theo Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023) quy định mẫu Nội quy của cơ sở cai nghiện ma túy công lập năm 2023 như sau:

      NỘI QUY

      của cơ sở cai nghiện ma túy công lập

      Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

      1. Việc chấp hành quy định pháp luật, chế độ quản lý, chế độ cai nghiện của người cai nghiện trong quá trình cai nghiện, học tập, lao động trị liệu tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

      2. Việc chấp hành của viên chức, người lao động, tổ chức, cá nhân đến thăm, gặp hoặc làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

      3. Việc xử lý đồ vật, chất cấm trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

      Điều 2. Đối tượng áp dụng

      1. Người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

      2. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện (sau đây gọi chung là người làm việc tại cơ sở cai nghiện).

      3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

      Điều 3. Trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện ma túy

      1. Thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định về xác định tình trạng nghiện ma túy, quy trình cai nghiện ma túy; quản lý chặt chẽ người cai nghiện ma túy, người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

      2. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trong việc quản lý người cai nghiện ma túy, người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở và phòng, chống thẩm lậu ma túy vào cơ sở.

      3. Phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật và nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy, nghiêm túc xử lý hoặc báo cáo người có thẩm quyền để xử lý.

      4. Tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người cai nghiện ma túy, người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy và người đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm bí mật cá nhân của người cai nghiện ma túy; chỉ cung cấp thông tin liên quan cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

      5. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống, cai nghiện ma túy và pháp luật khác liên quan.

      Điều 4. Quy định đối với người cai nghiện

      1. Người cai nghiện phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định sau tại cơ sở cai nghiện:

      a) Quyết định của Tòa án, các quy định của pháp luật, chế độ quản lý, chế độ cai nghiện; tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập trong việc thực hiện quy trình cai nghiện, giúp đỡ người cai nghiện khác cùng hoàn thành thời gian cai nghiện;

      b) Tôn trọng, tự giác thực hiện nếp sống, sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu có trật tự, kỷ luật chặt chẽ. Có trách nhiệm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và tố giác, báo cáo kịp thời, trung thực các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế cơ sở cai nghiện của người cai nghiện hoặc người khác;

      c) Chấp hành đúng quy định trong sinh hoạt, học tập, lao động trị liệu, nghỉ ngơi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; chấp hành nghiêm sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát, hằng ngày; tuân theo mệnh lệnh, hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Giữ vệ sinh cá nhân; thực hiện phòng, khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở cai nghiện;

      d) Nằm đúng vị trí đã được quy định trong phòng ở; ngủ, nghỉ đúng giờ; không gây mất trật tự; giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng ở và những nơi công cộng. Đến giờ quy định, người cai nghiện được nhận khẩu phần ăn của mình và phải ăn đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm; khi đi ăn xếp hàng theo tổ, đội, mặc đồng phục theo quy định;

      đ) Trong giao tiếp, người cai nghiện chỉ được dùng tiếng Việt, trừ trường hợp người cai nghiện là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số chưa biết tiếng Việt. Người cai nghiện xưng hô với người làm việc tại cơ sở là “thầy” hoặc “cô” xưng “em”, với khách đến thăm hoặc làm việc là “tôi” và “quý khách”; trong học tập, lao động trị liệu, học nghề, hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, sinh hoạt tập thể xưng hô với nhau là “tôi”, “anh” hoặc “chị”. Bỏ mũ hoặc nón, đứng nghiêm, cách xa từ 02 mét đến 03 mét và nói chào khi gặp viên chức, người lao động, giáo viên hoặc khách đến thăm, làm việc tại cơ sở cai nghiện. Lời chào phải thể hiện thái độ thân thiện, phải vâng, dạ, thưa hoặc nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc. Khi nghe gọi tên mình, người cai nghiện phải trả lời “có”.

      Ngoài những hoạt động nêu trên, tùy theo lứa tuổi hoặc quan hệ gia đình, họ hàng mà xưng hô, giao tiếp, ứng xử với nhau cho phù hợp với phong tục , truyền thống văn hóa Việt Nam;

      e) Được đưa vào phòng ở: quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, khăn mặt, dép do cơ sở cai nghiện cấp và đồ dùng sinh hoạt cá nhân khác đã được kiểm duyệt, sử dụng giấy trắng, bút viết theo quy định, kính thuốc gọng nhựa, thuốc chữa bệnh theo chỉ định của cán bộ y tế, đồ dùng cho vệ sinh phụ nữ. Chăn, màn, chiếu, gối, khăn mặt, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân phải được gấp, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ, để và phơi đúng nơi quy định;

      g) Khi gặp người làm việc tại cơ sở, tham gia điều trị, học tập, sinh hoạt tập thể, lao động trị liệu, học nghề, ra vào cổng cơ sở cai nghiện, khi được phép gặp thân nhân hoặc tiếp xúc với quý khách, người ngoài, phải mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ do cơ sở cai nghiện người cai nghiện cấp. Người cai nghiện nam phải cắt tóc ngắn. Người cai nghiện nữ phải để tóc gọn gàng;

      h) Người cai nghiện có tiền gửi lưu ký tại cơ sở cai nghiện được sử dụng mua lương thực, thực phẩm đã chế biến sẵn để ăn thêm và đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt, học tập của cá nhân theo quy định của cơ sở cai nghiện. Người cai nghiện khi cần tương trợ vật chất lẫn nhau thì phải đề nghị và được sự đồng ý của viên chức, người lao động tại cơ sở cai nghiện.

      Những tài sản, giấy tờ như vàng, bạc, ngoại tệ, tiền Việt Nam, cổ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, các loại thẻ ngân hàng, đồng hồ, đồ trang sức có giá trị, các loại máy móc, thiết bị, căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, các loại giấy tờ có giá trị khác hoặc quần áo, tư trang chưa sử dụng phải gửi lưu ký cơ sở cai nghiện. Nếu người cai nghiện có nguyện vọng thì Giám đốc cơ sở cai nghiện có thể bàn giao số tài sản trên cho thân nhân của người cai nghiện;

      i) Thực hiện cai nghiện, lao động trị liệu, học nghề đúng nơi quy định, chấp hành nghiêm kỷ luật, an toàn, vệ sinh lao động; tích cực, tự giác tham gia lao động trị liệu, học nghề theo sự hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở, không gây cản trở công việc của người khác. Người cai nghiện ốm đau, bệnh tật có chỉ định, xác nhận của cán bộ y tế thì được nghỉ lao động trị liệu;

      k) Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động trị liệu, sinh hoạt chung, người cai nghiện theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Người cai nghiện theo tôn giáo đăng ký với cơ sở cai nghiện việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy quy định và không ảnh hưởng đến người khác. Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho người cai nghiện sử dụng;

      l) Nêu cao tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của cơ sở cai nghiện, của mình và của người khác; báo cáo kịp thời cho người làm việc tại cơ sở về các hành vi xâm phạm đến tài sản đó. Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại về tài sản của cơ sở cai nghiện ma túy hoặc của người khác.

      2. Những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện tại cơ sở:

      a) Trốn, tổ chức trốn khỏi cơ sở cai nghiện; chống đối, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người cai nghiện khác chống đối, gây rối an ninh, trật tự; không chấp hành nghiêm quyết định, mệnh lệnh, yêu cầu, hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở; vi phạm các quy định về chế độ quản lý, chế độ cai nghiện; tự tiện đi lại quá phạm vi quy định; cản trở việc sinh hoạt, cai nghiện của người cai nghiện khác; báo cáo sai sự thật, che giấu hành vi vi phạm của mình và người cai nghiện khác;

      b) Đưa vào, tàng trữ, sử dụng các đồ vật, vật phẩm, chất cấm trong cơ sở cai nghiện; tự tạo các đồ vật, chất độc hại có thể gây mất an ninh trật tự, an toàn hoặc nguy hiểm cho bản thân và người khác; nuôi, nhốt động vật trong cơ sở cai nghiện;

      c) Tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể hoặc giúp người khác tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể; đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục, xâm phạm thân thể người khác; chiếm đoạt hoặc hủy hoại, làm hư hỏng tài sản, cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện, của mình hoặc của người khác; tự ý tiếp xúc với người đến thăm gặp hoặc người khác;

      d) Xăm, trổ, đeo lên cơ thể mình hoặc người khác những vật thể kim loại hoặc chất khác, nhuộm tóc, để móng tay, móng chân dài và sơn màu móng tay, móng chân; người cai nghiện nam cắt tóc trọc đầu (trừ trường hợp cần thiết); cho mượn, viết, vẽ lên quần áo, sửa chữa khác kiểu quần áo được cấp;

      đ) Tự ý thay đổi chỗ nằm trong phòng ở; tụ tập liên hoan, ăn uống, sử dụng lửa, điện trái phép trong phòng ở, nhà xưởng, khu lao động trị liệu, học tập, khu y tế, nơi sinh hoạt tập thể; sử dụng rượu bia, chất kích thích khác; đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ, mua bán, trao đổi, vay mượn dưới mọi hình thức giữa người cai nghiện với nhau hoặc với người khác;

      e) Lập hội, nhóm, bè phái dưới mọi hình thức; truyền đạo, cúng lễ, bói toán, tuyên truyền, lôi kéo, ép buộc người cai nghiện khác tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan; có thái độ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; tự ý viết, vẽ, treo, dán tranh, ảnh, khạc nhổ, vứt rác bừa bãi hoặc có hành vi gây mất vệ sinh công cộng trong cơ sở cai nghiện;

      g) Chống đối, chây lười, trốn tránh lao động trị liệu, học nghề, học tập và các hoạt động giáo dục khác; xúi giục, lôi kéo, cưỡng bức, hỗ trợ người khác cản trở người thi hành công vụ; thuê hoặc ép buộc người cai nghiện khác phục vụ, làm thay công việc của mình hoặc của người cai nghiện khác;

      h) Tàng trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu, phim, băng, đĩa, thiết bị lưu trữ điện tử, văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy; móc nối, đưa, phát tán thông tin, hình ảnh trái phép ra bên ngoài hoặc lên mạng thông tin truyền thông; liên lạc điện thoại với thân nhân không đúng với nội dung đã đăng ký;

      i) Các hành vi quan hệ tình dục, dâm ô và quan hệ không lành mạnh khác giữa người cai nghiện với nhau hoặc với người khác (trừ trường hợp quan hệ vợ, chồng khi được phép);

      k) Hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử trong phòng ở, nhà xưởng, khu lao động trị liệu, học tập, khu y tế, nơi sinh hoạt tập thể, khu thăm gặp người cai nghiện, nơi có thể gây cháy, nổ hoặc những khu vực có treo biển “cấm lửa”, “cấm hút thuốc”.

      3. Người cai nghiện phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy này, đồng thời phải chấp hành các quy định khác của cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

      Điều 5. Quy định đối với người đến thăm, gặp người cai nghiện

      1. Khi đến cơ sở cai nghiện, người đến thăm gặp phải chấp hành nghiêm nội quy khu vực cấm, mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự; xuất trình đầy đủ giấy tờ đề nghị thăm gặp, tiếp xúc người cai nghiện; chấp hành nghiêm nội quy khu thăm gặp và hướng dẫn của người có trách nhiệm về thời gian, địa điểm tổ chức thăm gặp, tiếp xúc, giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi hết thời gian thăm, gặp người cai nghiện, người đến thăm gặp không được tự ý lưu lại nơi làm việc, nơi thăm gặp của cơ sở cai nghiện.

      2. Không tự ý tiếp xúc với người cai nghiện; đưa vào, sử dụng hoặc cho người cai nghiện, người khác mượn, sử dụng các đồ vật, các chất thuộc danh mục đồ vật, chất cấm, các loại ấn phẩm, tài liệu có nội dung kích động, chống đối, không lành mạnh hoặc những đồ vật có thể gây mất an ninh trật tự, an toàn của cơ sở cai nghiện.

      3. Nghiêm cấm cho người cai nghiện, người đến thăm gặp sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông tin liên lạc, ghi âm, ghi hình khi thăm gặp, tiếp xúc; ghi âm, ghi hình tại cơ sở cai nghiện và nơi có biển cấm quay phim, chụp ảnh. Không xúi giục, giúp sức, kích động hoặc thủ đoạn khác ép buộc người cai nghiện hoặc người khác chống đối, vi phạm Nội quy cơ sở cai nghiện ma túy.

      4. Không có thái độ, cử chỉ, lời nói, hành vi thiếu văn hóa, gây gổ, xúc phạm, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm, thân thể của người làm việc tại cơ sở hoặc người khác; lợi dụng thăm gặp, tiếp xúc để lôi kéo, tụ tập, có lời nói, hành động hoặc dùng băng rôn, khẩu hiệu, tài liệu có nội dung tuyên truyền, kích động gây mất an ninh, trật tự.

      5. Người đến thăm gặp, tiếp xúc đối với người cai nghiện có quyền góp ý, kiến nghị, phản ánh hoặc khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của cơ sở cai nghiện.

      Điều 6. Quy định đối với người đến làm việc; phối hợp tổ chức các hoạt động tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập

      1. Khi đến làm việc hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe hoặc công việc khác tại cơ sở cai nghiện ma túy, người đến làm việc phải mặc trang phục gọn gàng, sạch sẽ, lịch sự; xuất trình đầy đủ giấy tờ để xác định là người có thẩm quyền, trách nhiệm đến làm việc hoặc phối hợp tổ chức công tác tại cơ sở cai nghiện.

      2. Chấp hành quy định pháp luật về chế độ quản lý đối với người cai nghiện, Nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy và thực hiện theo hướng dẫn của người làm việc tại cơ sở cai nghiện. Khi muốn hỗ trợ, ủng hộ vật chất cho người cai nghiện phải thông qua người có thẩm quyền, tuyệt đối không đưa vào, sử dụng hoặc cho người cai nghiện vay mượn tiền, tài sản, đồ vật thuộc danh mục đồ vật, vật phẩm, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện.

      3. Không tự ý tiếp xúc người cai nghiện, vào khu vực quản lý, học tập, lao động trị liệu, dạy nghề hoặc khu vực khác của cơ sở cai nghiện; tiếp nhận hoặc chuyển tiền, tài liệu, đơn, thư, các loại đồ vật cho người cai nghiện.

      4. Không đưa vào, sử dụng hoặc cho người cai nghiện mượn, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khi làm việc, tiếp xúc với người cai nghiện. Việc sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phỏng vấn tại cơ sở cai nghiện phải thực hiện theo quy định của pháp luật và được sự cho phép của Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy.

      Điều 7. Quy định về đồ vật, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện; phát hiện, thu giữ, xử lý đồ vật, chất cấm

      1. Đồ vật, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy

      a) Các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ:

      - Vũ khí: Các loại vũ khí quân dụng, các loại súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự;

      - Vật liệu nổ: Các loại thuốc nổ và phụ kiện nổ;

      - Tiền chất thuốc nổ.

      b) Công cụ hỗ trợ, gồm:

      - Các loại súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh đánh dấu; súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới súng phóng dây mồi và đạn sử dụng cho các loại súng này;

      - Các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

      - Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

      - Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số 8, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn và các loại công cụ hỗ trợ khác có tính năng, tác dụng tương tự.

      c) Các chất ma tuý, tiền chất ma túy, chất hướng thần hoặc có chứa chất ma túy; chất gây mê, chất độc, chất gây ngứa, chất phóng xạ, hoá chất, độc dược; các loại thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, trừ trường hợp có chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền;

      d) Chất cháy, chất gây cháy, đồ vật gây cháy;

      đ) Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá các loại, thuốc lào, xì gà và các chất kích thích khác;

      e) Các thiết bị dùng để đun nấu, đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, đất nung, thủy tinh, phích nước;

      g) Thiết bị kỹ thuật, điện tử: Các loại máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe, nhìn, đồng hồ, điện thoại di động, bộ đàm và các loại máy thu phát tín hiệu khác trừ những thiết bị y tế để đảm bảo sức khỏe cho người cai nghiện theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền;

      h) Các loại ấn phẩm: Sách, báo bằng tiếng nước ngoài chưa qua kiểm duyệt; các ấn phẩm về tôn giáo, tín ngưỡng không được phép lưu hành; tranh ảnh, phim, băng, đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, giáo dục người cai nghiện;

      i) Các loại bài lá, các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức; các đồ vật khác có thể gây mất an toàn cơ sở cai nghiện, người cai nghiện dùng để trốn trại, gây nguy hại cho bản thân người cai nghiện và người khác, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường.

      2. Phát hiện, thu giữ đồ vật, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy:

      a) Khi phát hiện việc đưa vào, sử dụng, tàng trữ đồ vật, chất cấm trong cơ sở cai nghiện, người có thẩm quyền lập biên bản thu giữ, yêu cầu người vi phạm làm bản tường trình và người làm chứng làm biên bản ghi lời khai (nếu có). Trong biên bản phải xác định rõ số lượng, khối lượng, chủng loại, hình dạng, kích thước, màu sắc, tình trạng và các đặc điểm khác của đồ vật, chất cấm bị thu giữ. Những đồ vật nghi là vàng, bạc, đá quý, kim loại quý, ma túy hoặc đồ vật , chất khác có thể niêm phong được thì phải niêm phong, có chữ ký của người lập biên bản, người vi phạm, người làm chứng hoặc người chứng kiến;

      b) Trường hợp không xác định được đối tượng hoặc đối tượng không có mặt khi thu giữ đồ vật, chất cấm được đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy thì có ít nhất 02 người chứng kiến ký biên bản, niêm phong (nếu cần) và xác minh làm rõ để xử lý;

      c) Người có thẩm quyền sau khi lập biên bản thu giữ đồ vật, chất cấm phải báo cáo Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy để quản lý và xử lý, đảm bảo chặt chẽ, an toàn;

      d) Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản đồ vật, chất cấm; việc giao, nhận đồ vật, chất cấm phải lập biên bản và vào sổ theo dõi.

      3. Xử lý đồ vật, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy:

      a) Đồ vật, chất cấm khi bị thu giữ thì được xử lý như sau:

      - Đồ vật, chất cấm quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này thì lập biên bản, chuyển ngay cùng hồ sơ, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

      - Đồ vật, chất cấm quy định tại các điểm d, đ khoản 1 Điều này thì Giám đốc cơ sở cai nghiện ra quyết định xử lý và tổ chức tiêu hủy;

      - Đồ vật cấm quy định tại các điểm e, g khoản 1 Điều này sau khi thu giữ thì chuyển cho bộ phận lưu ký quản lý và trả lại cho người cai nghiện sau khi người cai nghiện chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc hoặc bàn giao cho thân nhân theo đề nghị của người cai nghiện;

      - Đồ vật cấm quy định tại các điểm h, i khoản 1 Điều này sau khi thu giữ phải tiến hành kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ trước khi tổ chức tiêu hủy.

      b) Các đồ vật, chất cấm có liên quan đến vụ án hình sự thì chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

      c) Việc xử lý đồ vật, chất cấm bằng hình thức tiêu hủy thì cơ sở cai nghiện lập Hội đồng xử lý do Giám đốc cơ sở làm Chủ tịch, Phó Giám đốc làm Phó Chủ tịch, các thành viên gồm người phụ trách phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc có liên quan, người phụ trách y tế, hành chính - kế toán.

      4. Hồ sơ thu giữ, xử lý đồ vật, chất cấm đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy

      a) Hồ sơ thu giữ, xử lý đồ vật, chất cấm, gồm:

      (1) Biên bản thu giữ đồ vật, chất cấm;

      (2) Biên bản ghi lời khai của người vi phạm và người làm chứng (nếu có);

      (3) Bản tường trình của người vi phạm;

      (4) Báo cáo của người có thẩm quyền thu giữ đồ vật, chất cấm và đề nghị hình thức xử lý;

      (5) Biên bản họp Hội đồng xử lý đồ vật, chất cấm, Biên bản họp Hội đồng xử lý kỷ luật người cai nghiện hoặc kết luận của cơ quan điều tra trong trường hợp hành vi vi phạm không bị xử lý về hình sự;

      (6) Quyết định thu giữ đồ vật, chất cấm;

      (7) Quyết định xử lý đồ vật, chất cấm;

      (8) Quyết định xử lý hành vi vi phạm;

      (9) Biên bản xử lý đồ vật, chất cấm (biên bản bàn giao, tiêu hủy đồ vật, chất cấm);

      (10) Biên bản bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan (nếu chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định);

      (11) Tài liệu khác có liên quan.

      b) Hồ sơ, tài liệu về thu giữ, xử lý đồ vật, chất cấm và xử lý vi phạm đối với người cai nghiện phải được lưu trong hồ sơ người cai nghiện; trường hợp hồ sơ đã chuyển giao cho cơ quan khác để giải quyết theo thẩm quyền thì sao lưu hồ sơ để quản lý, lưu trữ theo quy định.

      Điều 8. Trách nhiệm thi hành

      1. Người phụ trách các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc cơ sở cai nghiện có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Nội quy này tới toàn thể viên chức, người lao động, người cai nghiện thuộc đơn vị mình quản lý.

      Đối với người cai nghiện mới tiếp nhận phải học các nội quy, quy chế của cơ sở trước khi phân về các tổ, đội để quản lý, sinh hoạt (thời gian học tập do giám đốc cơ sở cai nghiện quyết định, nhưng tối đa không quá 10 ngày làm việc).

      2. Người cai nghiện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy này. Trường hợp vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ cụ thể sẽ bị xử lý, bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật liên quan; xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

      3. Trong quá trình thực hiện nội quy này nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo Giám đốc cơ sở xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

      (Hình từ Internet)

      Chức năng của cơ sở cai nghiện ma túy công lập như thế nào?

      Theo Điều 5 Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023) quy định chức năng của cơ sở cai nghiện ma túy công lập như sau:

      - Tổ chức cai nghiện ma túy cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy.

      - Quản lý người nghiện ma túy đang trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy.

      - Cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện.

      - Thực hiện việc xác định tình trạng nghiện ma túy.

      Điều kiện cơ sở cai nghiện ma túy công lập giải thể là gì?

      Tại Điều 4 Thông tư 29/2022/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 15/02/2023) quy định điều kiện cơ sở cai nghiện ma túy công lập giải thể như sau:

      Giải thể cơ sở cai nghiện ma túy công lập

      1. Việc giải thể cơ sở cai nghiện ma túy công lập được thực hiện khi có một trong các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP .

      2. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập chỉ thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

      3. Trình tự, thủ tục giải thể cơ sở cai nghiện ma túy công lập thực hiện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP .

      Theo đó, điều kiện cơ sở cai nghiện ma túy công lập giải thể như sau:

      +) Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;

      +) Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

      +) Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền;

      +) Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

      +) Đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài: Ngoài việc đáp ứng một trong các điều kiện quy định trên, cần bảo đảm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước sở tại về việc giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

      +) Thực hiện giải thể sau khi hoàn thành nghĩa vụ về tài chính, tài sản, đất đai, các khoản vay, nợ phải trả và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn