Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 1 của viên chức hành chính?
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 1 của viên chức hành chính? Hiện nay có bao nhiêu nguyên tắc quản lý viên chức?
Đã có Thông tư 05 về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức hành chính?
Ngày 27/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 2 và lên hạng 1 đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viền chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức.
Thông tư 05/2024/TT-BNV áp dụng đối với các đối tượng gồm:
- Viên chức tại các vị trí việc làm ở bộ phận hành chính, tổng họp, quản trị văn phòng, tổ chức cán bộ, kế hoạch, tài chính và các vị trí việc làm khác không giữ chức danh nghề nghiệp và không hoạt động nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là viên chức hành chính) dự xét thăng hạng lên hạng 2 (từ chuyên viên lên chuyên viên chính) và lên hạng 1 (từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp).
- Viên chức văn thư tại các vị trí việc làm ở bộ phận văn thư, hành chính của đon vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là viên chức văn thư) dự xét thăng hạng lên hạng 2 (từ văn thư viên lên văn thư viên chính).
- Viên chức chuyên ngành lưu trữ trong các đon vị sự nghiệp công lập dự xét thăng hạng lên hạng 2 (từ lưu trữ viên lên lưu trữ viên chính).
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng 1 của viên chức hành chính? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng của viên chức hành chính?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng 1 phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện dưới đây:
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.
Trường hợp tại thời điểm xét thăng hạng mà Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chưa ban hành quy định nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng theo quy định thì không phải đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp; viên chức được xét thăng hạng được coi là đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của hạng được xét.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng, trừ trường hợp xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó theo quy định tại thời điểm xét không có hạng dưới liền kề.
Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác (không tính thời gian tập sự theo quy định) theo đúng quy định của pháp luật, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ.
Trường hợp tính thời gian tương đương thì phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề so với hạng chức danh nghề nghiệp dự xét ít nhất 12 tháng tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.
- Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
- Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng;
- Có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường họp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn).
- Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau:
+ Chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
+ Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu.
+ Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
- Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau:
+ Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên.
+ Có ít nhất 03 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thông tư 05/2024/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024.
2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó; trường họp hết hiệu lực thì các quy định tương ứng tại Thông tư này hết hiệu lực.
3. Bãi bỏ Điều 9 Thông tư số 07/2022/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành lưu trữ.
4. Bãi bỏ điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư quy định việc áp dụng quy định về đề tài, đề án đối với viên chức thăng hạng lên chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính.
Như vậy, Thông tư 05/2024/TT-BNV sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024.
Hiện nay có bao nhiêu nguyên tắc quản lý viên chức?
Tại Điều 6 Luật Viên chức 2010 có quy định về 04 nguyên tắc quản lý viên chức. Theo đó:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của Nhà nước.
- Bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.
- Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức