Lễ Giáng sinh 2024 là ngày nào, thứ mấy? Người lao động có được nghỉ làm việc ngày lễ giáng sinh 2024 không?
Lễ Giáng sinh 2024 là ngày nào, thứ mấy?
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là Noel hoặc Christmas, là một ngày lễ quan trọng của người theo đạo Thiên Chúa nhằm kỷ niệm ngày Chúa Giê-su Ki-tô (Jesus Christ) ra đời. Theo truyền thống, lễ Giáng sinh được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 hàng năm. Đối với nhiều người trên khắp thế giới, dù không theo đạo, đây cũng là dịp để sum họp gia đình, trao đổi quà tặng, và tận hưởng không khí lễ hội.
Đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo, lễ Giáng sinh mang ý nghĩa linh thiêng, là dịp để tưởng nhớ và tôn vinh sự hi sinh của Chúa Giê-su.
Ngày nay, lễ Giáng sinh vượt xa ý nghĩa tôn giáo và trở thành một lễ hội văn hóa toàn cầu, là dịp để mọi người chia sẻ yêu thương, gắn kết gia đình và bạn bè.
Như vậy, Giáng sinh 2024 diễn ra vào ngày 25/12/2024 (thứ tư) được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ tối ngày 24/12/2024 (thứ ba) gọi là “lễ vọng”.
Lễ Giáng sinh 2024 là ngày nào, thứ mấy? Người lao động có được nghỉ làm việc ngày lễ giáng sinh 2024 không? (Hình từ Internet)
Người lao động có được nghỉ làm việc ngày lễ giáng sinh 2024 không?
Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định nghỉ lễ, tết:
Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, lễ giáng sinh không được xem là một ngày lễ tết mà người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương. Chỉ có một số ngày lễ, tết dưới đây thì người lao động mới nghỉ làm việc và được hưởng nguyên lương, cụ thể:
- Tết Dương lịch
- Tết Âm lịch
- Ngày Chiến thắng
- Ngày Quốc tế lao động
- Quốc khánh
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Công ty có được bắt buộc người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ giáng sinh 2024 không?
Căn cứ Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ:
Điều 59. Sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ
1. Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây:
a) Thời gian làm thêm;
b) Địa điểm làm thêm;
c) Công việc làm thêm.
2. Trường hợp sự đồng ý của người lao động được ký thành văn bản riêng thì tham khảo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Căn cứ Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 quy định làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt:
Điều 108. Làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Theo quy định trên, công ty không được bắt buộc người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ giáng sinh 2024 trừ các trường hợp sau:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.