Hạch toán vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quy định như thế nào?
Theo quy định mới của pháp luật về hạch toán vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, chính quyền địa phương. Cho hỏi việc hạch toán vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 34 Thông tư 99/2021/TT-BTC (có hiệu lực từ 01/01/2022) có quy định về hạch toán vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ như sau:
- Đối với khoản vay nước ngoài của Chính phủ cho chính quyền địa phương vay lại, Sở Tài chính thực hiện theo dõi, đánh giá quá trình quản lý vốn vay lại thuộc dự án theo quy định của Nghị định 97/2018/NĐ-CP và hợp đồng cho vay lại.
- Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, trên cơ sở hồ sơ giải ngân vốn vay của nhà tài trợ, Cục QLN và TCĐN gửi Thông báo các khoản giải ngân cho Sở Tài chính để đối chiếu tình hình vay nợ được tổng hợp từ các Chủ dự án để thực hiện ghi nhận nợ qua KBNN cấp tỉnh.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Tài chính (Cục QLN và TCĐN), Sở Tài chính gửi công văn đề nghị ghi nhận nợ kèm bản sao Thông báo giải ngân của nhà tài trợ cho KBNN cấp tỉnh để KBNN thực hiện hạch toán khoản nhận nợ của chính quyền địa phương cùng thời điểm với thời điểm Chính phủ nhận nợ.
- Tổng Giám đốc KBNN hướng dẫn cụ thể về phương pháp hạch toán theo thẩm quyền được giao tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC và Thông tư số 19/2020/TT-BTC. Trước thời hạn Sở Tài chính phải nộp các báo cáo tình hình vay nợ của địa phương về Bộ Tài chính 05 ngày làm việc, KBNN tỉnh lập báo cáo gửi Sở Tài chính về khoản nợ mà chính quyền địa phương vay lại của Chính phủ. Mẫu biểu báo cáo của KBNN cấp tỉnh đối với số liệu vay lại của chính quyền địa phương cần đảm bảo các thông tin mà Sở Tài chính phải báo cáo Bộ Tài chính theo quy định hiện hành.
Trân trọng!