Việc chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay được quy định thế nào?
Việc chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là học viên đang theo học lĩnh vực điều độ khai thác bay cơ bản thuộc chương trình đào tạo sơ cấp nghề của Học viện hàng không Việt Nam. Trong quá trình học, khi tìm hiểu về hoạt động của tàu bay, em thắc mắc, với tính chất quan trọng, yêu cầu độ an toàn, an ninh hết sức nghiêm ngặt thì việc chuẩn bị, thực hiện chuyến bay và sau mỗi chuyến bay sẽ được tiến hành như thế nào? Em có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Em xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Quang Tường (tuong***@gmail.com)
Chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay được quy định tại Điều 83 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:
1. Người chỉ huy tàu bay, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc chuẩn bị chuyến bay phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay.
2. Tàu bay chỉ được phép cất cánh từ cảng hàng không, sân bay khi có lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
3. Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.
Trên thực tế, công tác chuẩn bị cho một chuyến bay là sự phối hợp chặt chẽ của phi hành đoàn và các cơ quan liên quan theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt.
Chẳng hạn, đối với một chuyến bay dân dụng thông thường của hãng Vietnam Airlines sẽ bắt đầu từ bộ phận điều hành bay bằng thao tác lên lịch hoạt động cho chuyến bay gắn với một máy bay và số hiệu cụ thể. Trước giờ bay, bộ phận Kỹ thuật sẽ cử một đội thợ máy đi kiểm tra toàn diện máy bay. Sau khi kiểm tra bảo dưỡng và kết quả cho thấy máy bay có thể đi vào hoạt động, tổ trưởng tổ Kỹ thuật sẽ ký một tờ giấy xác nhận hoàn thành bảo dưỡng để máy bay chính thức được đưa vào khai thác cho chuyến bay.
120 phút trước giờ cất cánh, nhân viên ở Trung tâm kiểm soát khai thác sẽ báo cho công ty chế biến suất ăn đặt số phần ăn theo đúng dự kiến. 45 phút trước giờ xuất phát, nhân viên bắt đầu đưa các suất ăn lên máy bay.
Tổ tiếp viên lên máy bay từ 30 đến 45 phút trước giờ cất cánh để kiểm tra lại các loại vật dụng trên máy bay như chăn gối, túi chống nôn, thuốc cấp cứu, báo chí…. Trong thời gian đó, Cơ trưởng và cơ phó cùng kiểm tra kế hoạch bay. Sau khi kế hoạch bay được gửi đến Trung tâm quản lý bay, bộ phận kiểm soát không lưu sẽ có thông tin phản hồi về kế hoạch bay, nếu không đồng ý họ sẽ ra một đề nghị khác. Sau đó, cơ trưởng sẽ ký vào bản kế hoạch bay rồi gửi đi và họ ra máy bay, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Thông thường, cơ trưởng, cơ phó và các bộ phận khác trong tổ bay sẽ tiến hành họp đánh giá, chuẩn bị trước khi chuyến bay bắt đầu.
Sau khi kết thúc mỗi chuyến bay, phi công tiến hành trao đổi về tình trạng máy bay với nhân viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không để chuẩn bị máy bay có chất lượng tốt nhất cho chuyến bay, ban bay tiếp theo.
Còn đối với các chuyến bay quân sự, việc kiểm tra, chuẩn bị cho mỗi chuyến bay được tiến hành theo những tiêu chuẩn riêng của từng loại máy bay và các thành viên của tổ bay đặc biệt là phi công và nhân viên kỹ thuật sẽ phải trải qua các vòng kiểm tra hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo chắc chắn an toàn cho chuyến bay.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chuẩn bị chuyến bay, thực hiện chuyến bay và sau chuyến bay. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!