Từ ngày 01/01/2025, có bắt buộc phải có gương chiếu hậu hai bên không?
Từ ngày 01/01/2025, có bắt buộc phải có gương chiếu hậu hai bên không?
Căn cứ Tiểu mục 2.11 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2024/BGTVT quy định về kỹ thuật:
2. QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
[...]
2.11. Gương chiếu hậu
2.11.1. Đối với xe nhóm L1, L2 phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái của người lái. Đối với xe nhóm L3, L4, L5 phải lắp gương chiếu hậu ở bên trái và bên phải của người lái.
2.11.2. Gương chiếu hậu sử dụng lắp trên xe phải đáp ứng được các yêu cầu trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 28:2024/BGTVT.
2.11.3. Gương chiếu hậu phải được lắp đặt chắc chắn. Người lái có thể điều chỉnh được vùng quan sát tại vị trí lái.
2.11.4. Bề mặt phản xạ của gương chiếu hậu phải có dạng hình lồi và có thể nhận rõ hình ảnh ở phía sau với khoảng cách tối thiểu 50 m về phía bên phải và bên trái hoặc tâm bề mặt phản xạ của gương phải cách mặt phẳng trung tuyến dọc của xe một khoảng tối thiểu là 280 mm.
2.11.5. Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
2.11.6. Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm và phải nằm trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
[...]
Căn cứ Tiểu Mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2024/BGTVT quy định chung:
1. QUY ĐỊNH CHUNG
[...]
1.3.3. Xe trong Quy chuẩn này được phân loại theo các nhóm như sau:
Nhóm L1: Xe gắn máy hai bánh;
Nhóm L2: Xe gắn máy ba bánh;
Nhóm L3: Xe mô tô hai bánh;
Nhóm L4: Xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên);
Nhóm L5: Xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.
[...]
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông:
Điều 14. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;
[...]
Theo quy định trên, xe gắn máy hai bánh và xe gắn máy ba bánh phải lắp ít nhất một gương chiếu hậu ở bên trái người điều khiển.
Ngoài ra, xe máy không có gương chiếu hậu bên trái hoặc có nhưng không có tác dụng sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng.
Như vậy, từ ngày 01/01/2025 không bắt buộc xe máy phải có gương chiếu hậu cả hai bên, mà bắt buộc phải có gương bên trái.
Từ ngày 01/01/2025, có bắt buộc phải có gương chiếu hậu hai bên không? (Hình từ Internet)
Người lái xe gắn máy không được thực hiện các hành vi nào?
Căn cứ Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy:
Điều 33. Người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy
1. Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 12 tuổi;
d) Người già yếu hoặc người khuyết tật.
2. Người lái xe, người được chở trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cài quai đúng quy cách.
3. Người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
[...]
Như vậy, người lái xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:
- Đi xe dàn hàng ngang
- Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác
- Sử dụng ô, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính
- Buông cả hai tay; đi xe bằng một bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy hai bánh; đi xe bằng hai bánh đối với xe mô tô, xe gắn máy ba bánh
- Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang, vác và chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe quá giới hạn quy định
- Ngồi về một bên điều khiển xe; đứng, nằm trên xe điều khiển xe; thay người lái xe khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Điều kiện của người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ là gì?
Căn cứ Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ:
Điều 56. Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
[...]
4. Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 59 của Luật này.
5. Người tập lái xe ô tô, người dự sát hạch lái xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ phải thực hành trên xe tập lái, xe sát hạch trên tuyến đường tập lái, tuyến đường sát hạch, có giáo viên dạy lái hoặc sát hạch viên bảo trợ tay lái. Giáo viên dạy lái, sát hạch viên phải mang theo các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, điều kiện của người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện
- Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy
- Phải bảo đảm điều kiện sức khỏe phù hợp