Trường hợp nào phải cắm cọc tiêu giao thông đường bộ?
Trường hợp nào phải cắm cọc tiêu giao thông đường bộ? Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Trang, đang sinh sống ở Bình Thuận. Tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi trường hợp nào phải cắm cọc tiêu giao thông đường bộ? Vấn đề này được quy định ở đâu? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn. (Thanh Trang_098***)
Các trường hợp cắm cọc tiêu giao thông đường bộ được quy định tại Điều 58 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, theo đó, những trường hợp sau phải cắm cọc tiêu:
- Phía lưng các đường cong nằm từ tiếp đầu đến tiếp cuối. Trong trường hợp có đường cong chuyển tiếp thì phải bố trí cọc tiêu từ điểm nối đầu đến điểm nối cuối;
- Các đoạn nền đường bị thắt hẹp;
- Các đoạn đường có taluy âm cao từ 2 m trở lên;
- Các đoạn đường men theo sông, suối, đầm, hồ, ao;
- Các đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt cùng mức;
- Dọc hai bên những đoạn đường bị ngập nước thường xuyên hoặc chỉ ngập theo mùa và hai bên thân đường ngầm, đường tràn;
- Các đoạn đường qua bãi cát, đồng lầy, đồi cỏ mà khó phân biệt mặt đường phần xe chạy với dải đất hai bên đường.
Không cần bố trí cọc tiêu trong trường hợp phần đường xe chạy đã được phân biệt rõ bởi bó vỉa, vỉa hè hoặc các kết cấu liền kề hoặc khi đã sử dụng tiêu phản quang dạng mũi tên tại các đường cong.
Trên đây là quy định về các trường hợp cắm cọc tiêu trong giao thông đường bộ. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Trân trọng!