Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm
Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Văn Thiết, đang tìm hiểu quy định của pháp luật về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa. Có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!
Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được quy định tại Điều 14 Thông tư 69/2015/TT-BGTVT quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, cụ thể như sau:
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ có văn bản chấp thuận thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm tiến hành khảo sát, lập và gửi 01 bộ hồ sơ đề xuất thực hiện dự án tới Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án bao gồm:
- Văn bản đề nghị phê duyệt hồ sơ đề xuất thực hiện dự án.
- Báo cáo thuyết minh đề xuất thực hiện dự án với những nội dung chính sau đây:
+ Phân tích sự cần thiết, lợi thế trong việc thực hiện dự án nạo vét theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm so với các hình thức đầu tư khác; các điều kiện thuận lợi, khó khăn; mục đích sử dụng sản phẩm tận thu được trong quá trình nạo vét;
+ Xác định địa điểm, quy mô, phạm vi thi công; xác định khối lượng nạo vét theo chuẩn tắc thiết kế đã được công bố hoặc phân tích, đề xuất thông số kỹ thuật, chuẩn tắc thi công; dự kiến khối lượng đăng ký tận thu, phương án tập kết sản phẩm tận thu và vị trí đổ thải đối với sản phẩm nạo vét không tận thu;
+ Biện pháp thi công, trình tự thi công, kế hoạch và tiến độ thi công; biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng và tiến độ thực hiện, phương thức chuyển giao và tiếp nhận công trình sau khi hoàn thành;
+ Phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
+ Phân tích phương án tài chính của dự án gồm những nội dung: tổng mức đầu tư dự án, cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động nhân lực, phương tiện, thiết bị; các khoản chi; nguồn thu, giá, phí; thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận;
+ Thời gian và tiến độ thực hiện dự án.
- Báo cáo kết quả khảo sát địa hình, địa chất.
- Bản vẽ thiết kế: bản vẽ tổng mặt bằng (bình đồ khảo sát địa hình, tuyến luồng hoặc khu nước, vùng nước; vị trí tập kết phương tiện, vị trí tập kết sản phẩm nạo vét...); bản vẽ mặt bằng phạm vi khu vực nạo vét; bản vẽ chi tiết mặt cắt nạo vét; tọa độ mép luồng hoặc vùng nước trước cảng, bến tại mặt cắt và các bản vẽ khác có liên quan.
- Văn bản cam kết thực hiện dự án bao gồm: cam kết bố trí nhân lực, thiết bị đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án và giải quyết khắc phục hậu quả nếu thực hiện dự án không đúng theo quy định; cam kết không gây sạt lở hai bên bờ sông khu vực thực hiện dự án; cam kết khắc phục mọi hậu quả do ảnh hưởng của dự án gây ra (nếu có) và cải tạo môi trường.
- Báo cáo thẩm tra dự án (đối với dự án có khối lượng nạo vét từ 300.000 m3 trở lên).
- Các tài liệu khác cần thiết cho việc giải trình hồ sơ đề xuất thực hiện dự án (nếu có).
Trên đây là nội dung câu trả lời về hồ sơ đề xuất thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thê tìm đọc và tìm hiểu rõ thêm tại Thông tư 69/2015/TT-BGTVT.
Trân trọng!