Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vận chuyển hàng không bằng Trọng tài được quy định thế nào?
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vận chuyển hàng không bằng Trọng tài được quy định ra sao? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên Khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM. Trong quá trình học, em có tìm hiểu thêm về lĩnh vực hàng không dân dụng. Em được biết, trong hợp đồng vận chuyển hàng không, khi xảy ra tranh chấp, các bên được quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cụ thể là giữa Tòa án và Trọng tài. Em thắc mắc không biết pháp luật hiện hành quy định ra sao về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng không bằng Trọng tài? Em có thể tham khảo thêm nội dung này tại đâu? Rất mong nhận được hỗ trợ từ Ban biên tập. Cảm ơn các anh chị rất nhiều!
Hồ Thanh Nga (nga_law***@gmail.com)
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vận chuyển hàng không bằng Trọng tài được quy định tại Điều 173 Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006. Theo đó:
1. Các bên của hợp đồng vận chuyển hàng hóa có thể thoả thuận giải quyết tranh chấp phát sinh bằng Trọng tài. Thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản.
2. Đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển, việc giải quyết bằng Trọng tài tại Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 172 của Luật này.
3. Quy định tại khoản 2 Điều này được coi là một phần của bất kỳ điều khoản hoặc thoả thuận trọng tài nào. Mọi điều khoản và thoả thuận trọng tài trái với quy định này đều bị coi là vô hiệu.
Về nguyên tắc và xét trên thực tế trong bất kỳ mối quan hệ hay giao dịch nào, tranh chấp phát sinh được giải quyết bằng con đường các bên tự thỏa thuận là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bắt buộc họ phải nhờ đến cơ quan tài phán đứng ra phán xử. Trong hợp đồng vận chuyển hàng không, khi có tranh chấp phát sinh, bên cạnh Tòa án có thẩm quyền xét xử, các bên được quyền lựa chọn Trọng tài làm cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp cho mình. Theo đó, việc lựa chọn Trọng tài phải được các bên thống nhất bằng văn bản và quy định trên không yêu cầu thời điểm thỏa thuận phải là thời điểm xác định nên các bên hoàn toàn chủ động trong bất kỳ thời gian nào. Theo đó, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hay sau khi phát sinh tranh chấp hoặc có thể đề cập đến trong nội dung hợp đồng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Quy định này đồng thời cũng góp phần giảm bớt gánh nặng giải quyết các vụ việc tranh chấp cho hệ thống tòa án trong điều kiện các tòa án đang rơi vào tình trạng quá tải, hồ sơ ứ đọng, tồn tại quá nhiều trên các lĩnh vực. Và xu thế hiện nay, số lượng các vụ việc được các bên lựa chọn Trọng tài giải quyết ngày càng phổ biến hơn đặc biệt trong lĩnh vực thương mại bao gồm cả các vụ việc liên quan đến các vấn đề về hàng không.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc giải quyết tranh chấp trong hợp đồng vận chuyển hàng không bằng Trọng tài. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Trân trọng!