Trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập cho đối tượng nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/02/2023

Xin hỏi đối tượng được học trường phổ thông dân tộc nội trú là gồm những ai? - Câu hỏi của Thanh Như (Phú Thọ).

    • Trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập cho đối tượng nào?

      Căn cứ Điều 2 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT quy định về trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập cho đối tượng sau:

      Trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh dân tộc nội trú

      1. Trường PTDTNT được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm mục tiêu tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

      2. Học sinh dân tộc nội trú: Học sinh thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này được tuyển vào học ở trường PTDTNT.

      Theo Điều 9 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT quy định về học sinh dân tộc nội trú như sau:

      Đối tượng tuyển sinh

      1. Học sinh là người dân tộc thiểu số mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại:

      a) Xã, phường, thị trấn khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của cấp có thẩm quyền (sau đây gọi chung là xã, thôn đặc biệt khó khăn);

      b) Xã, phường, thị trấn khu vực II và khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của cấp có thẩm quyền.

      2. Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người được quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

      3. Học sinh là người dân tộc Kinh mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trường PTDTNT được tuyển không quá 10% học sinh là người dân tộc Kinh trong tổng số chỉ tiêu tuyển mới hằng năm.

      4. Trường hợp học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này nhỏ hơn quy mô của trường PTDTNT trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định thêm vùng tạo nguồn đào tạo nhân lực cho các dân tộc đế tuyển sinh thêm đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà bản thân và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú từ 36 tháng liên tục trở lên tại vùng này tính đến ngày nộp hồ sơ tuyển sinh.

      Như vậy, trường phổ thông dân tộc nội trú được thành lập cho đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định cụ thể như trên.

      (Hình từ Internet)

      Những đối tượng nào được tuyển thẳng vào trường phổ thông dân tộc nội trú?

      Theo khoản 2 Điều 11 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT quy định về trường phổ thông dân tộc nội trú quy định về đối tượng được tuyển thẳng vào trường phổ thông dân tộc nội trú như sau:

      Phương thức tuyển sinh, chế độ ưu tiên và tuyển thẳng

      1. Phương thức tuyển sinh và chế độ ưu tiên được thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

      2. Tuyển thẳng

      Tuyển thẳng vào trường PTDTNT các đối tượng sau:

      a) Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người;

      b) Học sinh trung học cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học phổ thông;

      c) Học sinh tiểu học thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp tỉnh trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học cơ sở.

      Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào trường phổ thông dân tộc nội trú gồm:

      +) Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người;

      +) Học sinh trung học cơ sở thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp quốc gia, quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học, kỹ thuật được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học phổ thông;

      +) Học sinh tiểu học thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Quy chế này đạt giải cấp tỉnh trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tuyển thẳng vào học trường PTDTNT trung học cơ sở.

      Nhiệm vụ và quyền đặc thù của học sinh dân tộc nội trú bao gồm những gì?

      Tại Điều 18 Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền đặc thù của học sinh dân tộc nội trú bao gồm?

      Nhiệm vụ và quyền của học sinh dân tộc nội trú

      Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh được quy định tại Điều lệ trường trung học, học sinh dân tộc nội trú còn có nhiệm vụ và quyền sau:

      1. Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác.

      2. Được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

      3. Khi có nhu cầu cá nhân tham gia các hoạt động ngoài nhà trường, học sinh phải xin phép theo quy định của nhà trường.

      Căn cứ quy định trên, ngoài những nhiệm vụ và quyền cơ bản như học sinh trường trung học thì học sinh dân tộc nội trú có nhiệm vụ và quyền đặc thù như sau:

      - Giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc khác.

      - Được ăn, ở, sinh hoạt trong khu nội trú và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

      - Khi có nhu cầu cá nhân tham gia các hoạt động ngoài nhà trường, học sinh phải xin phép theo quy định của nhà trường.

      Thông tư 04/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10/04/2023.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn