Điểm sàn trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024?
Điểm sàn trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024 là bao nhiêu? Thông tin các khoản thu chi tài chính nào của cơ sở giáo dục phải được công khai? Mục tiêu của chương trình giáo dục đại học là gì?
Điểm sàn trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024?
Trường Đại học Luật Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển) trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy năm 2024 (Khóa 49) đối với thí sinh thuộc diện xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo đó, điểm sàn trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024 cụ thể như sau:
* Điều kiện chung:
- Thí sinh đủ điều kiện về đối tượng tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tham gia xét tuyển;
- Điểm xét tuyển bằng tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
* Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển:
- Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại trụ sở chính của Trường: Tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển C00 đạt ≥ 20.00 điểm, các tổ hợp khác đạt ≥ 18.00 điểm (không tính điểm ưu tiên). Ngoài ra, đối với ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh > 7.00 điểm.
- Đối với thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học tại phân hiệu của Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk: Tổng điểm của các môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt 15.00 điểm (không tính điểm ưu tiên).
Điểm sàn trường Đại học Luật Hà Nội năm 2024? (Hình từ Internet)
Thông tin các khoản thu chi tài chính nào của cơ sở giáo dục phải được công khai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT, các thông tin các khoản thu chi tài chính của cơ sở giáo dục phải được công khai bao gồm:
- Tình hình tài chính của cơ sở giáo dục trong năm tài chính trước liền kề thời điểm báo cáo theo quy định pháp luật, trong đó có cơ cấu các khoản thu, chi hoạt động như sau:
+ Các khoản thu phân theo: Nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước, hỗ trợ của nhà đầu tư; học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học; kinh phí tài trợ và hợp đồng với bên ngoài; nguồn thu khác) và loại hoạt động (giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; hoạt động khác).
+ Các khoản chi phân theo:
++ Chi tiền lương và thu nhập (lương, phụ cấp, lương tăng thêm và các khoản chi khác có tính chất như lương cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên,...).
++ Chi cơ sở vật chất và dịch vụ (chi mua sắm, duy tu sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuê mướn các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát triển đội ngũ,...).
++ Chi hỗ trợ người học (học bổng, trợ cấp, hỗ trợ sinh hoạt, hoạt động phong trào, thi đua, khen thưởng,...).
++ Các khoản chi khác.
- Các khoản thu và mức thu đối với người học, bao gồm:
++ Học phí, lệ phí, tất cả các khoản thu.
++ Mức thu ngoài học phí, lệ phí (nếu có) trong năm học.
++ Dự kiến cho từng năm học tiếp theo của cấp học hoặc khóa học của cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh, dự tuyển.
- Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí, học bổng đối với người học.
- Số dư các quỹ theo quy định, kể cả quỹ đặc thù (nếu có).
- Các nội dung công khai tài chính khác thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, kế toán, kiểm toán, dân chủ cơ sở.
Mục tiêu của chương trình giáo dục đại học là gì?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi điểm a khoản 2, khoản 3 Điều 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, mục tiêu của chương trình giáo dục đại học đó là:
- Mục tiêu chung:
+ Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
+ Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.
- Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ:
+ Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo.
+ Đào tạo trình độ thạc sĩ để học viên có kiến thức khoa học nền tảng, có kỹ năng chuyên sâu cho nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học hoặc hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.
+ Đào tạo trình độ tiến sĩ để nghiên cứu sinh có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.