Những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp tư nhân năm 2024?
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào? Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào? Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân có các nội dung chủ yếu nào?
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân như sau:
Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.
2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Như vậy, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ do chủ doanh nghiệp tự đăng ký và phải đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư. Nội dung đăng ký phải nêu rõ số vốn đầu tư được góp bằng loại tài sản nào, số lượng và giá trị tài sản.
Trong quá trình hoạt động, toàn bộ vốn và tài sản bao gồm cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh thì phải ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính.
Ngoài ra, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Nếu giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh rồi mới tiến hành giảm vốn.
Những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp tư nhân năm 2024? (Hình từ Internet)
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp:
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.
2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Theo đó, khi đặt tên doanh nghiệp tư nhân nghiêm cấm các điều sau:
(1) Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Cụ thể như sau:
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
- Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
- Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
(2) Không được sử dụng tên của các tổ chức sau để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp:
- Cơ quan nhà nước;
- Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị;
- Tổ chức chính trị - xã hội;
- Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp;
- Tổ chức xã hội;
- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
Lưu ý: Chỉ được sử dụng tên của các tổ chức àm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp khi có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
(3) Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân có các nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định nội dung chủ yếu trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân như sau:
- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.
- Vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trân trọng!