Năm 2025, các ngành nào không thuộc phạm vi điều tra doanh nghiệp?
Năm 2025, các ngành nào không thuộc phạm vi điều tra doanh nghiệp?
Căn cứ Mục 2 Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định 1706/QĐ-BKHĐT năm 2024 quy định như sau:
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA
1. Phạm vi điều tra
Điều tra doanh nghiệp năm 2025 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (viết gọn là tỉnh, thành phố) đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018) trừ 3 ngành sau:
- Ngành O - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc;
- Ngành U - Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế;
- Ngành T - Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình.
2. Đối tượng điều tra
Đối tượng điều tra là cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi một ngành kinh tế tại một địa điểm (đơn vị ngành kinh tế theo địa bàn) của tất cả ngành kinh tế quốc dân (trừ các ngành O, ngành U và ngành T trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam).
[...]
Theo quy định trên, đối tượng điều tra doanh nghiệp năm 2025 là cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi một ngành kinh tế tại một địa điểm của tất cả các ngành kinh tế quốc dân, trừ các ngành O, ngành U và ngành T trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Như vậy, các ngành không thuộc phạm vi điều tra doanh nghiệp bao gồm:
- Ngành O - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc
- Ngành U - Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế
- Ngành T - Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình
Năm 2025, các ngành nào không thuộc phạm vi điều tra doanh nghiệp? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp có quyền gì?
Căn cứ Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền của doanh nghiệp như sau:
- Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
- Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
- Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
- Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
- Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
- Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
- Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
- Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp như sau:
- Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
- Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp
- Không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề
- Thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.