Có phải trả tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/09/2022

Có phải trả tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản không? Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản như thế nào? 

Chào anh chị Luật sư. Doanh nghiệp của tôi gặp một vài vấn đề nên tôi đã làm thủ tục tuyên bố phá sản và tôi phải trả nợ cho nhiều bên đối tác và tôi có thắc mắc là có phải trả tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản không?

Mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

 

    • Có phải trả tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Có phải trả tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phá sản không?

      Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động, theo đó:

      1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

      a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

      b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

      c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

      d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

      2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

      3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

      a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

      b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.

      Tại Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản, cụ thể như sau:

      1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

      a) Chi phí phá sản;

      b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

      c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

      d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

      2. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

      a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

      b) Chủ doanh nghiệp tư nhân;

      c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

      d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

      đ) Thành viên của Công ty hợp danh.

      3. Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

      Như vậy, tài sản của doanh nghiệp bạn sẽ được lập danh sách kiểm kê và phân chia theo thứ tự quy định nêu trên. Trường hợp doanh nghiệp còn tài sản để trả cho người lao động thì người lao động sẽ được nhận lại tiền lương và các khoản chi phí khác.

      2. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản như thế nào?

      Tại Điều 47 Luật Phá sản 2014 quy định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, theo đó:

      1. Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

      2. Trường hợp xét thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng điều hành, doanh nghiệp, hợp tác xã có dấu hiệu vi phạm khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã đó theo đề nghị của Hội nghị chủ nợ hoặc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

      Theo đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản sẽ hoạt động nhưng phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn