Văn phòng công chứng làm việc vào thứ mấy?
Xin hỏi: Văn phòng công chứng làm việc vào thứ mấy?- Câu hỏi của chị Nhã (Hà Nội).
Văn phòng công chứng làm việc vào thứ mấy?
Tại khoản 3 Điều 33 Luật Công chứng 2014 có quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng
1. Quản lý công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình trong việc tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
2. Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.
3. Thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước.
4. Niêm yết lịch làm việc, thủ tục công chứng, nội quy tiếp người yêu cầu công chứng, phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác tại trụ sở của tổ chức mình.
...
Tại khoản 3 Điều 32 Luật Công chứng 2014 có quy định về quyền của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
Quyền của tổ chức hành nghề công chứng
1. Ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật này và các nhân viên làm việc cho tổ chức mình.
2. Thu phí công chứng, thù lao công chứng, chi phí khác.
3. Cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.
4. Được khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại Điều 62 của Luật này.
5. Các quyền khác theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, Văn phòng công chứng thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước nghĩa là sẽ làm việc từ thứ 2 đến hết thứ 6 và nghỉ vào thứ 7 và chủ nhật.
Tuy nhiên văn phòng công chứng vẫn được quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân. Do đó tùy vào mỗi văn phòng công chứng thì vẫn có văn phòng làm việc vào thứ 7 và kể cả chủ nhật.
Văn phòng công chứng làm việc vào thứ mấy? (Hình từ Internet)
Văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập trong trường hợp nào?
Tại khoản 1 Điều 30 Luật Công chứng 2014 có quy định văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng trong trường hợp:
- Văn phòng công chứng không thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 23 Luật Công chứng 2014;
- Hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động mà Văn phòng công chứng chưa bắt đầu hoạt động;
- Văn phòng công chứng không hoạt động liên tục từ 03 tháng trở lên, trừ trường hợp toàn bộ các công chứng viên hợp danh bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng;
- Văn phòng công chứng chỉ còn một công chứng viên hợp danh và không bổ sung được thành viên hợp danh mới trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày thiếu công chứng viên hợp danh;
- Toàn bộ công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng bị miễn nhiệm chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết;
- Văn phòng công chứng không bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Văn phòng công chứng có thành viên góp vốn không?
Tại khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng 2014 có quy định về Văn phòng công chứng như sau:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
...
Như vậy, văn phòng công chứng sẽ không có thành viên góp vốn và phải đảm bảo có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên.
Trân trọng!