Bộ Tư pháp nghiên cứu về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên?
Cho tôi hỏi có phải Bộ Tư pháp đang nghiên cứu về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên hay không? Câu hỏi của anh Thanh ở Long An.
Bộ Tư pháp nghiên cứu về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên?
Ngày 09/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2024 về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01 năm 2024.
Theo đó, tại Mục 3 Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2024 Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Rà soát nội dung dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, quy định trong dự thảo Luật các vấn đề cụ thể đã được thực hiện ổn định, phù hợp với thực tiễn;
- Rà soát các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên; bảo đảm tính hợp lý, nâng cao chất lượng công chứng viên.
- Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Bộ Công an về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này.
- Rà soát quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên tại dự thảo Luật, bảo đảm sự phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Đảng, Chính phủ; ....
Bộ Tư pháp nghiên cứu về vấn đề giới hạn độ tuổi của Công chứng viên? (Hình từ Internet)
Ai không được bổ nhiệm công chứng viên?
Tại Điều 13 Luật Công chứng 2014 những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên gồm:
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
- Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.
Nghĩa vụ của công chứng viên được quy định như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng 2014 quy định nghĩa vụ của công chứng viên được quy định như sau:
- Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
- Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;
- Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
- Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng;
- Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là công chứng viên hợp danh;
- Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;
- Chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên mà mình là thành viên;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Trân trọng!