Trong trường hợp nào phải huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao từ 01/7/2023?
Xin hỏi: Trong trường hợp nào phải huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao?- Câu hỏi của anh Quân (Đà Nẵng).
Trong trường hợp nào phải huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao từ 01/7/2023?
Tại Điều 5 Quyết định 12/2023/QĐ-TTg có quy định về các trường hợp huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao như sau:
Hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận
1. Giấy chứng nhận có hiệu lực kể từ ngày cấp.
2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận trong trường hợp sau đây:
a) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
b) Vi phạm nội dung trong Giấy chứng nhận;
c) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.
3. Trường hợp Giấy chứng nhận bị hủy bỏ hiệu lực, hiệu lực của Giấy chứng nhận chấm dứt kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Trong trường hợp không xác định được chính xác thời điểm xảy ra hành vi vi phạm thì hiệu lực của Giấy chứng nhận chấm dứt kể từ thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm.
4. Quyết định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận phải được thông báo đến các bên tham gia chuyển giao công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về thuế và các cơ quan có liên quan đến quyết định và thực hiện ưu đãi, hỗ trợ.
Như vậy, từ ngày 01/7/2023, việc huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao khi thuộc 03 trường hợp bao gồm:
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận
- Vi phạm nội dung trong Giấy chứng nhận;
- Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp nào phải huỷ bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao từ 01/7/2023? (Hình từ Internet)
Công nghệ được khuyến khích chuyển giao bao gồm những công nghệ nào?
Tại Điều 9 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 có quy định về những công nghệ được khuyến khích chuyển giao. Cụ thể:
- Công nghệ cao; máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao được khuyến khích chuyển giao theo pháp luật về công nghệ cao.
- Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao trong nước khi đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:
+ Tạo ra sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm được tạo ra từ công nghệ cùng loại hiện có;
+ Tạo ra sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước;
+ Tạo ra dịch vụ, ngành, nghề sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm mới; nuôi, trồng giống mới đã qua kiểm nghiệm;
+ Tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nguyên liệu so với công nghệ cùng loại hiện có ở Việt Nam;
+ Sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; lưu trữ năng lượng hiệu suất cao;
+ Tạo ra máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ khám, điều trị, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao chất lượng thể chất người Việt Nam;
+ Phát hiện, xử lý, dự báo để phòng chống thiên tai, dịch bệnh; cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính;
+ Sản xuất đồng bộ theo chuỗi có hiệu quả kinh tế - xã hội cao;
+ Tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng;
+ Phát triển, hiện đại hóa nghề thủ công truyền thống.
- Công nghệ; máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 hiện có ở Việt Nam trừ:
+ Công nghệ cao; máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ cao được khuyến khích chuyển giao theo pháp luật về công nghệ cao.
+ Công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam được khuyến khích chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam.
+ Công nghệ hạn chế chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài.
+ Công nghệ sử dụng nguyên liệu là sản phẩm, bán sản phẩm, vật tư sản xuất trong nước được khuyến khích chuyển giao ra nước ngoài.
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao?
Tại Điều 3 Quyết định 12/2023/QĐ-TTg có quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao như sau:
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan cấp Giấy chứng nhận):
1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
2. Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong dự án đầu tư tại địa phương và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ).
Lưu ý: Quyết định 12/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Trân trọng!