Luật Đấu thầu 2023 quy định có các phương thức lựa chọn nhà thầu nào?
Luật Đất thầu 2023 quy định có các phương thức lựa chọn nhà thầu nào? Hành vi cản trở bị cấm trong hoạt động đấu thầu bao gồm các hành vi nào? Có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào?
Luật Đất thầu 2023 quy định có các phương thức lựa chọn nhà thầu nào?
Căn cứ Luật Đấu thầu 2023 quy định có 04 phương thức lựa chọn nhà thầu như sau:
[1] Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ quy định tại Điều 30 Luật Đấu thầu 2023
Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, trừ trường hợp gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
- Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp;
- Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;
- Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.
[2] Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ quy định tại Điều 31 Luật Đấu thầu 2023
Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
[3] Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ quy định tại Điều 32 Luật Đấu thầu 2023
Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu tại thời điểm tổ chức đấu thầu.
[4] Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ quy định tại Điều 33 Luật Đấu thầu 2023
Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù mà chưa xác định được chính xác các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đầy đủ cho gói thầu tại thời điểm tổ chức đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2023 quy định có các phương thức lựa chọn nhà thầu nào? (Hình từ Internet)
Hành vi cản trở bị cấm trong hoạt động đấu thầu bao gồm các hành vi nào?
Căn cứ quy định khoản 5 Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
...
5. Cản trở bao gồm các hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;
b) Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
c) Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;
d) Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
...
Như vậy, hành vi cản trở bị cấm trong hoạt động đấu thầu bao gồm các hành vi sau đây:
- Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;
- Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;
- Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;
- Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.
Có các hình thức lựa chọn nhà thầu nào?
Căn cứ Điều 20 Luật Đấu thầu 2023 quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu:
Các hình thức lựa chọn nhà thầu
1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:
a) Đấu thầu rộng rãi;
b) Đấu thầu hạn chế;
c) Chỉ định thầu;
d) Chào hàng cạnh tranh;
đ) Mua sắm trực tiếp;
e) Tự thực hiện;
g) Tham gia thực hiện của cộng đồng;
h) Đàm phán giá;
i) Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.
2. Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1 Điều này, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.
Theo đó, có 09 hình thức lựa chọn nhà thầu. Cụ thể như sau:
[1] Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu tham dự.
[2] Đấu thầu hạn chế là hình thức lựa chọn nhà thầu trong đó chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu được mời tham dự thầu;
[3] Chỉ định thầu được thực hiện khi chỉ có một nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu của chủ đầu tư.
[4] Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
- Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
- Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;
- Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;
[5] Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc dự án, dự toán mua sắm của cùng một chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư khác và đáp ứng đủ điều kiện.
[6] Tự thực hiện là hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu được tự thực hiện gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
[7] Tham gia thực hiện của cộng đồng: Cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ đủ năng lực tại địa phương nơi có gói thầu được giao thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công mà Nhà nước và Nhân dân cùng làm có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng.
[8] Đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu sau đây:
- Mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu;
- Mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm chỉ có 01 hoặc 02 hãng sản xuất.
[9] Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với các gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo các hình thức trên.
Trân trọng!