Hồ sơ thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ ngày 15/02/2024?
Cho tôi hỏi hồ sơ thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ ngày 15/02/2024? Mong được giải đáp!
Hồ sơ thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ ngày 15/02/2024?
Theo khoản 1 Điều 4 Quyết định 29/2023/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024) quy định về hồ sơ xác định công nghệ của dự án đầu tư như sau:
Hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư
1. Hồ sơ đề nghị xác định công nghệ của dự án đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị xác định công nghệ theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục của Quyết định này;
b) Thuyết minh hiện trạng công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục của Quyết định này;
c) Chứng thư giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư (sau đây gọi tắt là chứng thư giám định) còn hiệu lực, thể hiện các nội dung theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục của Quyết định này.
...
Theo đó, hồ sơ xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiêm môi trường, thâm dụng tài nguyên gồm có:
[1] Văn bản đề nghị xác định công nghệ
[2] Thuyết minh hiện trạng công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư
[3] Chứng thư giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư còn hiệu lực.
Hồ sơ thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ ngày 15/02/2024? (Hình từ Internet)
Thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư thực hiện như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 4 Quyết định 29/2023/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 15/02/2024) quy định về thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị xác định công nghệ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan chủ trì tổ chức việc xác định công nghệ có thẩm quyền
Bước 2: Cơ quan chủ trì nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ
Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ theo quy định, Cơ quan chủ trì trả lại hồ sơ cho nhà đầu tư và thông báo rõ về các văn bản cần sửa đổi, bổ sung để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan chủ trì có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cơ quan quản lý chuyên ngành theo phân cấp tương ứng với thẩm quyền của Cơ quan chủ trì để lấy ý kiến phối hợp.
Trường hợp cần thiết, Cơ quan chủ trì lấy thêm ý kiến tổ chức, chuyên gia độc lập để tham vấn về chuyên môn, xác định công nghệ của dự án đầu tư.
Đối với dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, trong trường hợp cần thiết, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan chủ trì quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức khảo sát thực tế tại dự án đầu tư để xác định công nghệ của dự án đầu tư.
Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến phối hợp, tổ chức, chuyên gia độc lập có ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan chủ trì.
Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ ý kiến của cơ quan phối hợp, hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia độc lập, Cơ quan chủ trì có ý kiến bằng văn bản xác định công nghệ của dự án đầu tư
Những dự án nào cần được xác định là sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên?
Theo khoản 10 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn hoạt động của dự án đầu tư như sau:
Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên không được điều chỉnh, gia hạn thời hạn hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 gồm:
[1] Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoặc công suất hoặc hiệu suất của dây chuyền công nghệ còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; hoặc mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế.
Trường hợp không có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường liên quan đến dây chuyền công nghệ của dự án thì áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường;
[2] Dự án sử dụng máy móc, thiết bị để sản xuất có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc các Chương 84 và 85 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có tuổi vượt quá 10 năm hoặc khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường liên quan đến máy móc, thiết bị của dự án thì áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xác định máy móc, thiết bị trong một số lĩnh vực có tuổi vượt quá 10 năm nhưng không thuộc công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Trân trọng!