Mục đích hoạt động của Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là gì?
Mục đích hoạt động của Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là gì? Nguồn thu Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như thế nào? Các nội dung chi từ Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như thế nào?
Nhờ tư vấn giúp tôi.
Mục đích hoạt động của Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là gì?
Tại Điều 2 Quy chế quản lý và sử dụng quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 115/QĐ-VSD năm 2022 quy định mục đích hoạt động của Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như sau:
Quỹ bù trừ được hình thành từ các khoản đóng góp của thành viên bù trừ với mục đích bồi thường thiệt hại và hoàn tất các giao dịch chứng khoán phái sinh đứng tên thành viên bù trừ trong trường hợp thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán.
(hình ảnh minh họa)
Nguồn thu Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như thế nào?
Tại Điều 3 Quy chế quản lý và sử dụng quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 115/QĐ-VSD năm 2022 quy định nguồn thu Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như sau:
1. Khoản đóng góp tối thiểu ban đầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh (sau đây gọi tắt là Thông tư số 58/2021/TT-BTC).
2. Khoản đóng góp bổ sung định kỳ được xác định hàng tháng trên cơ sở đánh giá lại quy mô Quỹ bù trừ theo nguyên tắc sau:
a) Quy mô Quỹ bù trừ được đánh giá trên cơ sở dữ liệu giá giao dịch của các hợp đồng tương lai trong tối thiểu 252 ngày giao dịch. Việc xác định quy mô Quỹ bù trừ căn cứ vào dữ liệu giao dịch trên thị trường phái sinh, mức độ rủi ro thị trường và phương pháp kiểm tra khả năng chịu rủi ro (Stress test) nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này.
b) VSD yêu cầu thành viên bù trừ đóng góp bổ sung Quỹ bù trừ khi tổng giá trị tài sản đóng góp Quỹ bù trừ tại thời điểm đánh giá nhỏ hơn quy mô Quỹ bù trừ xác định theo quy định tại điểm a khoản này và không đủ để đảm bảo khả năng thanh toán trong trường hợp có 02 thành viên bù trừ có tổng mức lỗ vị thế lớn nhất tại 01 ngày thanh toán bất kỳ trong giai đoạn tính toán đồng thời mất khả năng thanh toán. Mức đóng góp cụ thể của từng thành viên bù trừ xác định theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quy chế này.
c) Giá trị tài sản đóng góp Quỹ bù trừ tại thời điểm đánh giá được xác định trên cơ sở tỷ lệ chiết khấu chứng khoán đóng góp Quỹ bù trừ và giá trị tài sản đóng góp Quỹ bù trừ được định giá theo quy định về định giá giá trị tài sản ký quỹ quy định tại Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại VSD.
3. Khoản đóng góp bổ sung bất thường thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư số 58/2021/TT-BTC và theo nguyên tắc:
a) Đối với trường hợp thành viên bù trừ bị đặt vào các tình trạng cảnh báo theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, quy định pháp luật ngân hàng về an toàn vốn: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản báo cáo, công bố thông tin của thành viên bù trừ về việc bị đặt vào tình trạng cảnh báo (tùy theo điều kiện nào đến trước), VSD thực hiện đánh giá lại quy mô Quỹ bù trừ để xác định và yêu cầu thành viên bù trừ đóng góp bổ sung bất thường trong trường hợp nghĩa vụ đóng góp yêu cầu xác định lại lớn hơn nghĩa vụ đóng góp yêu cầu tại tháng gần nhất. Thành viên bù trừ bị đặt vào tình trạng cảnh báo phải hoàn tất việc đóng góp bổ sung bất thường trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của VSD.
b) Đối với trường hợp tài sản đóng góp Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ bị phong tỏa, tịch thu bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quyết định của Tòa án: Trong thời hạn 01 ngày làm việc kê từ ngày nhận được thông báo của VSD, thành viên bù trừ liên quan có trách nhiệm đóng góp bổ sung bất thường bằng tiền với giá trị đóng góp tối thiểu bằng phần chênh lệch giữa nghĩa vụ đóng góp theo yêu cầu của VSD tại tháng gần nhất và giá trị tài sản (tiền và chứng khoán) đóng góp Quỹ bù trừ còn lại sau khi bị phong tỏa, tịch thu. Giá trị chứng khoán đóng góp Quỹ bù trừ còn lại được định giá theo quy định về định giá tài sản ký quỹ tại Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại VSD.
c) Đối với trường hợp khác: VSD xác định lại quy mô Quỹ bù trừ tại thời điểm phát sinh sự kiện bất thường và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận mức đóng góp bất thường cụ thể. Thành viên bù trừ liên quan có trách nhiệm hoàn tất việc đóng góp bổ sung bất thường bằng tiền trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của VSD.
4. Lãi tiền gửi phát sinh từ tài khoản tiền gửi Quỹ bù trừ tại ngân hàng thanh toán được xác định theo lãi suất không kỳ hạn do ngân hàng thanh toán công bố tại từng thời điểm.
5. Tiền lãi sử dụng Quỹ bù trừ thu từ thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Quy chế này.
Các nội dung chi từ Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như thế nào?
Tại Điều 4 Quy chế quản lý và sử dụng quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 115/QĐ-VSD năm 2022 quy định các nội dung chi từ Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam như sau:
1. Chi giá trị tài sản đóng góp Quỹ bù trừ của thành viên bù trừ để quản lý tách biệt theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
2. Chi trả phần chênh lệch theo đề nghị của thành viên bù trừ trong trường hợp giá trị đóng góp Quỹ bù trừ lớn hơn nghĩa vụ phải đóng góp.
3. Chi trả phí quản lý tài khoản tiền gửi Quỹ bù trừ tại ngân hàng thanh toán.
4. Chi trả các chi phí phát sinh đối với việc xử lý các nghiệp vụ liên quan trong trường hợp thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán.
Trân trọng!