Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho thế nào?
Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho thế nào? Trách nhiệm và quyền hạn của Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone về quản lý các khoản nợ phải thu là gì? Thuê tài sản hoạt động đối với Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone được quy định ra sao?
Giải đáp thắc mắc giúp tôi.
Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho thế nào?
Căn cứ tại Điều 19 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022 có quy định về việc quản lý hàng tồn kho như sau:
Quản lý hàng tồn kho
1. Hàng tồn kho của MobiFone là những tài sản được mua vào để sản xuất - hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường, gồm: Hàng mua đang đi trên đường; Nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ; Sản phẩm dở dang; Thành phẩm, hàng hóa; hàng gửi bán; Hàng hóa được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp.
2. MobiFone được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho kém, mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển để thu hồi vốn theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
3. Đối với hàng hóa tồn kho thuộc đối tượng trích lập dự phòng thì việc trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho thực hiện theo hướng dẫn về trích lập dự phòng của Bộ Tài chính.
4. MobiFone phải xây dựng quy chế, quy định về quản lý hàng tồn kho, trong đó phải xác định rõ việc phối hợp của từng bộ phận quản lý trong MobiFone và trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân có liên quan trong việc theo dõi, quản lý tài sản của MobiFone nêu trên.
5. Trình tự, thủ tục thanh lý, nhượng bán hàng tồn kho được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Quy chế này.
Theo đó, Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) được quyền chủ động và chịu trách nhiệm xử lý ngay những hàng hóa tồn kho kém, mất phẩm chất, lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển để thu hồi vốn theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Quy chế này.
Hình từ Internet
Trách nhiệm và quyền hạn của Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone về quản lý các khoản nợ phải thu là gì?
Theo Điều 20 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022 quy định như sau:
* Trách nhiệm của MobiFone:
- Ban hành và thực hiện quy chế quản lý nợ của MobiFone, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ phải thu.
- Mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi), đôn đốc thu hồi nợ. Khi xác định là nợ phải thu khó đòi, MobiFone phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ phải thu khó đòi theo quy định của Bộ Tài chính.
- Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc MobiFone có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được theo quy định pháp luật.
- Nợ phải thu không có khả năng thu hồi, MobiFone phải xác định rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Đối với nguyên nhân chủ quan, MobiFone có trách nhiệm xử lý bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan.
Đối với nguyên nhân khách quan, Hội đồng thành viên, Ban điều hành và các phòng ban có liên quan phải xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xác nhận; nếu xác định các khoản nợ này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh thi doanh nghiệp được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi; nếu còn thiếu thì hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nợ phải thu không có khả năng thu hồi sau khi xử lý như trên, MobiFone vẫn phải theo dõi và tổ chức thu hồi. Số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, được hạch toán vào thu nhập khác của MobiFone.
- MobiFone thường xuyên tổ chức thanh toán bù trừ công nợ giữa các đơn vị trong nội bộ MobiFone khi thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phải thu phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải thu cuối năm tài chính được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Quyền hạn của MobiFone:
MobiFone được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn theo quy định tại Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có), Quy chế quản lý nợ của MobiFone và quy định của pháp luật có liên quan.
Thuê tài sản hoạt động đối với Công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone được quy định ra sao?
Theo Điều 15 Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone do Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 618/QĐ-UBQLV năm 2022 có quy định thì:
Thuê tài sản hoạt động
1. MobiFone được thuê tài sản (bao gồm cả hình thức thuê tài chính) để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của MobiFone và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.
2. Việc thuê và sử dụng tài sản thuê phải tuân theo đúng quy định của Bộ luật dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
3. Hội đồng thành viên phân cấp cho Tổng giám đốc MobiFone quyết định và ký các hợp đồng thuê tài sản theo quy chế phân cấp nội bộ của MobiFone, phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của MobiFone và quy định của pháp luật có liên quan.
Trân trọng!