Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử những án gì
TAND Tối cao vừa yêu cầu chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chánh án TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt về công tác nhân sự và cơ sở vật chất để tổ chức tòa gia đình và người chưa thành niên.
Tòa chuyên trách này cần có phòng tư vấn – hòa giải, phòng trẻ em; phòng trợ giúp y tế và phòng xét xử thân thiện. TAND Tối cao yêu cầu, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký của tòa án gia đình và người chưa thành niên phải nắm chắc các quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, về hôn nhân và gia đình. Tòa phải phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục để giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền thụ lý.
Đội ngũ nhân sự phụ trách tòa này yêu cầu phải nắm chắc các quy định của pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, về hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ đạo các Tòa án cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phúc lợi xã hội, cơ quan y tế, giáo dục ở trung ương và địa phương để phối hợp với tòa án giải quyết tốt các vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên.
Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016 quy định, tòa án gia đình và người chưa thành niên giải quyết 3 nội dung sau. Thứ nhất, vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác. Thứ hai, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án đối với người chưa thành niên. Thứ ba, các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 91 Bộ luật hình sự: Nguyên tắc xử lý với người dưới 18 tuổi phạm tội - Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án. - Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. - Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội... |