Sau cải cách tiền lương thì đối tượng nào không được tăng tiền lương?
Sau cải cách tiền lương thì đối tượng nào không được tăng tiền lương? Các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới sau khi cải cách tiền lương là gì? Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập sau khi cải cách tiền lương được thực hiện như thế nào?
Sau cải cách tiền lương thì đối tượng nào không được tăng tiền lương?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15 quy định như sau:
Về thực hiện chính sách tiền lương
...
2. Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
...
Theo đó, khi cải cách tiền lương, các trường hợp cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù với mức tiền lương tăng thêm ngoài chế độ chung phải thực hiện chuyển xếp vào lương mới.
Nếu bãi bỏ các cơ chế, chính sách về tiền lương, thu nhập đặc thù thì lương mới của những cán bộ, công chức này có thể thấp hơn so với trước khi cải cách tiền lương.
Căn cứ Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định như sau:
Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:
...
Theo quy định trên, sau khi cải cách tiền lương, việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Như vậy, lương của cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan có cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù có thể sẽ giữ nguyên và không tăng nếu lương sau khi cải cách thấp hơn tiền lương hiện đang hưởng.
Xem thêm: >>Bảng lương giáo viên khi tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 01/7/2024 là bao nhiêu?
Các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới sau khi cải cách tiền lương là gì?
Theo Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới sau khi cải cách tiền lương như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Sau cải cách tiền lương thì đối tượng nào không được tăng tiền lương? (Hình từ Internet)
Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập sau khi cải cách tiền lương được thực hiện như thế nào?
Tại Tiểu mục 3 Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập sau khi cải cách tiền lương thực hiện như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
- Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức.
Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Trân trọng!