Phối hợp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình bảo vệ cưỡng chế giữa cơ quan công an với cơ quan thi hành án
Chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thành Vinh. Hiện tôi đang công tác tại một văn phòng Thừa phát lại tại Tp Hồ Chí Minh. Vì yêu cầu công việc tôi có thắc mắc sau mong nhận được phản hồi. Cụ thể thắc mắc của tôi như sau: Phối hợp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình bảo vệ cưỡng chế giữa cơ quan công an với cơ quan thi hành án được quy định như thế nào?
Phối hợp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình bảo vệ cưỡng chế giữa cơ quan công an với cơ quan thi hành án quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BTP-BCA quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp - Bộ Công an ban hành, cụ thể như sau:
- Trong quá trình diễn ra cưỡng chế, chỉ huy lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải thông báo kịp thời cho người chủ trì, điều hành buổi cưỡng chế thi hành án dân sự biết những diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự có liên quan đến công tác cưỡng chế thi hành án dân sự để có biện pháp xử lý.
- Khi có vụ việc xảy ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì xử lý, các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp. Trường hợp vụ việc xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều ngành thì đơn vị nào phát hiện đầu tiên có trách nhiệm giải quyết vụ việc theo thẩm quyền, sau đó chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền chính giải quyết. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của các lực lượng đang làm nhiệm vụ cưỡng chế thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Trường hợp có căn cứ cho rằng vụ việc có khả năng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà lực lượng tiến hành cưỡng chế chưa có biện pháp khắc phục, giải quyết thì cơ quan công an có thể đề nghị người chủ trì thực hiện việc cưỡng chế xem xét, quyết định tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.