Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có được đăng ký dự kiểm định trong kỳ kiểm định tiếp theo hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/02/2023

Xin hỏi người bị hủy bỏ kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có được đăng ký dự kiểm định trong kỳ kiểm định tiếp theo hay không? - Câu hỏi của Thanh Tú (Bình Định).

    • Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có được đăng ký dự kiểm định trong kỳ kiểm định tiếp theo hay không?

      Căn cứ Điều 10 Nghị định 06/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/04/2023) quy định về hủy bỏ kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:

      Sử dụng kết quả kiểm định

      1. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này trong phạm vi toàn quốc.

      2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ kết quả kiểm định công chức để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và tổ chức thi vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và điểm a, điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sau đây gọi là Nghị định số 138/2020/NĐ-CP).

      3. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên được phép sử dụng thay thế kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn khi đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

      4. Hủy bỏ kết quả kiểm định.

      a) Khai không đúng thông tin trong Phiếu đăng ký dự kiểm định.

      b) Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức phát hiện người được tuyển dụng sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định thì đề nghị có văn bản gửi Bộ Nội vụ để hủy bỏ kết quả kiểm định.

      c) Danh sách các trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ, trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Người bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký dự kiểm định trong một kỳ kiểm định tiếp theo.

      Như vậy, người bị hủy bỏ kết quả kiểm định không được đăng ký dự kiểm định trong một kỳ kiểm định tiếp theo.

      (Hình từ Internet)

      Hội đồng kiểm định tiến hành tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức trong bao nhiêu ngày để từ ngày thông báo triệu tập thí sinh?

      Theo Điều 9 Nghị định 06/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/04/2023) quy định về tiến hành tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức như sau:

      Trình tự tổ chức kiểm định

      1. Hội đồng kiểm định thông báo danh sách và triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự kiểm định công chức trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh, Hội đồng kiểm định tiến hành tổ chức kiểm định.

      2. Việc tổ chức kiểm định được thực hiện trên máy vi tính. Kết quả kiểm định được thông báo cho thí sinh được biết ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài kiểm định và không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả kiểm định.

      3. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ kiểm định, Hội đồng kiểm định báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức phê duyệt kết quả kiểm định; kết quả kiểm định được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và trang thông tin về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

      Theo đó, Hội đồng phải kiểm định tiến hành tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức chậm nhất 15 ngày kể từ ngày thông báo triệu tập thí sinh.

      Nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức gồm những gì?

      Khoản 2 Điều 5 Nghị định 06/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/04/2023) quy định các nội dung tiến hành kiểm định lượng đầu vào công chức như sau:

      Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định

      1. Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

      2. Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.

      3. Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:

      a) Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu.

      b) Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.

      Theo quy định nêu trên, nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức bao gồm:

      - Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn;

      - Hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước;

      - Quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn