Danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật từ ngày 14/11/2024?

Danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật từ ngày 14/11/2024? Bí mật nhà nước có bao nhiêu loại? Bí mật nhà nước là gì?

Bí mật nhà nước là gì?

Căn cứ Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định như sau:

Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
2. Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước.
3. Lộ bí mật nhà nước là trường hợp người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.
4. Mất bí mật nhà nước là trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không còn thuộc sự quản lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý.

Như vậy, bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật từ ngày 14/11/2024?

Danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật từ ngày 14/11/2024? (Hình từ Internet)

Danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật từ ngày 14/11/2024?

Ngày 14/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1385/QĐ-TTg năm 2024 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng có hiệu lực từ ngày 14/11/2024.

Tại Điều 1 Quyết định 1385/QĐ-TTg năm 2024 quy định danh mục bí mật nhà nước của Đảng độ tuyệt mật như sau:

[1] Thông tin về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng gồm: Quyết định, kế hoạch, kết luận, tờ trình, báo cáo, thông báo, biên bản, văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (sau đây gọi tắt là Trung ương Đảng), Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

[2] Thông tin về công tác tổ chức xây dựng đảng gồm:

- Quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

- Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, văn bản của Trung ương Đảng, cấp ủy, cơ quan, tổ chức đảng ở Trung ương; các ban chỉ đạo, tiểu ban, hội đồng, tổ chức kiêm nhiệm khác về công tác tổ chức, cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương thành lập và tổ giúp việc, tổ biên tập của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

[3] Thông tin về công tác đối ngoại đảng, đối ngoại nhân dân gồm:

- Quyết định, kết luận, báo cáo, kế hoạch, đề án, phương án, tờ trình, văn bản của Trung ương Đảng về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại của Đảng ta với các đảng, các nước lớn, các nước láng giềng về vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của nước ta.

- Đề án chính trị, biên bản, báo cáo kết quả hội đàm của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư đi thăm, làm việc với các đảng, các nước và đón các đoàn cấp cao các đảng, các nước vào thăm, làm việc tại Việt Nam có nội dung đánh giá, trao đổi về quan hệ chính trị đặc biệt với nước ta.

- Báo cáo, đề án, tờ trình của Ban Đối ngoại Trung ương kiến nghị Trung ương Đảng các chủ trương, chính sách của Đảng về vấn đề đối ngoại và quan hệ của Đảng ta với các đảng, các nước lớn, các nước láng giềng có nội dung liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biên giới quốc gia.

[4] Thông tin về kinh tế - xã hội gồm: Quyết định, kết luận, báo cáo, thông báo, văn bản của Trung ương Đảng và báo cáo, tờ trình, văn bản của cơ quan, tổ chức đảng trình xin ý kiến Trung ương Đảng về kinh phí đặc biệt dành cho quốc phòng, an ninh; về chủ trương thu, đổi tiền, phát hành tiền chưa công khai.

[5] Thông tin về công tác dân vận gồm: Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, báo cáo, chương trình, thông báo, kết luận, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về vấn đề dân tộc, về công tác dân tộc liên quan đến lợi ích quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; chủ trương chỉ đạo, biện pháp xử lý đối với các vấn đề phức tạp về tôn giáo cấp nhà nước chưa công khai.

[6] Thông tin về quốc phòng, an ninh gồm:

- Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, kết luận, biên bản, văn bản của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xử lý các tình huống chiến tranh, phòng thủ đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chủ trương về phát triển vũ khí công nghệ cao, tác chiến trên không gian mạng của Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương.

- Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, thông báo, kết luận, văn bản của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy quân sự tỉnh, Đảng ủy công an tỉnh, Đảng uỷ quân sự huyện, Đảng ủy công an huyện về hoạt động, phương hướng hoạt động của lực lượng tình báo, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; xác định các đối tượng, phương án, đối sách đấu tranh, quy trình xử lý tình huống nghiệp vụ đối với các đối tượng, thế lực thù địch trong và ngoài nước có âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc đe dọa xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia.

[7] Thông tin về khoa học và công nghệ gồm: văn bản, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cơ quan, tổ chức đảng về chủ trương triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt có ý nghĩa quyết định đến khả năng tác chiến phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Bí mật nhà nước có bao nhiêu loại?

Căn cứ Điều 8 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định phân loại bí mật nhà nước:

Điều 8. Phân loại bí mật nhà nước
Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật, bao gồm:
1. Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
2. Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc;
[...]

Như vậy, căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 03 độ mật: Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, bí mật nhà nước độ Tối mật, bí mật nhà nước độ Mật.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;