Cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự được sửa đổi từ ngày 20/9/2023?
Xin hỏi: Có phải từ ngày 20/9/2023, cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự được sửa đổi đúng không?- Câu hỏi của anh Trọng (Hà Nội).
Cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự được sửa đổi từ ngày 20/9/2023?
Ngày 02/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 19/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp.
Tại điểm a khoản 1 Điều 4 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg có quy định cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự như sau:
Cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự
1. Tổng cục Thi hành án dân sự có cơ cấu nhân sự sau đây:
a) Tổng Cục trưởng và không quá 03 Phó Tổng cục trưởng;
b) Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chức khác;
c) Viên chức.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu công chức, tổ chức của các tổ chức giúp việc Tổng Cục trưởng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc cấp mình quản lý theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và theo quy định của pháp luật.
2. Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức theo quy định của pháp luật.
3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục. Phó Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công phụ trách.
Tại khoản 3 Điều 1 Quyết định 19/2023/QĐ-TTg có sửa đổi cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp như sau:
3. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 4 như sau:
“a) Tổng Cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng cục trưởng”.
Như vậy, từ ngày 20/9/2023, cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có không quá 04 Phó Tổng cục trưởng.
Cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự được sửa đổi từ ngày 20/9/2023? (Hình từ Internet)
Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có bao nhiêu đơn vị cấp phòng từ ngày 20/9/2023?
Tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg có quy định vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, công chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh như sau:
Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, công chức của Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh
1. Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, thực hiện chức năng thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các phòng chuyên môn và tổ chức tương đương trực thuộc.
3. Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự; Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp; Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án; Thẩm tra viên chính thi hành án; Thẩm tra viên cao cấp thi hành án (nếu có); Thư ký thi hành án và công chức khác.
...
Tại khoản 3 Điều 1 Quyết định 19/2023/QĐ-TTg có sửa đổi cơ cấu công chức, viên chức của Tổng cục Thi hành án dân sự như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp như sau:
...
4. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:
“Căn cứ khối lượng công việc, chỉ tiêu biên chế được giao, tiêu chí thành lập phòng theo quy định của Chính phủ, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có không quá 05 đơn vị cấp phòng. Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 06 đơn vị cấp phòng”.
Như vậy, từ ngày 20/9/2023, Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có không quá 05 đơn vị cấp phòng. Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 06 đơn vị cấp phòng.
Tổng cục Thi hành án dân sự có cơ cấu tổ chức như thế nào?
Tại Điều 3 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Quyết định 19/2023/QĐ-TTg có quy định Tổng cục Thi hành án dân sự có cơ cấu tổ chức bao gồm:
(1) Cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương, gồm có:
- Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 1);
- Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định phá sản; phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2);
- Vụ Quản lý Thi hành án hành chính, thống kê và dữ liệu thi hành án (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 3);
- Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Vụ Tổ chức cán bộ;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính;
- Văn phòng;
- Tạp chí điện tử Thi hành án dân sự
(2) Cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương:
- Cục Thi hành án dân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh) trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;
- Chi cục Thi hành án dân sự ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trực thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở riêng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Quyết định 19/2023/QĐ-TTg có hiệu lực từ 20/9/2023.
Trân trọng!