Bổ sung thêm 01 tài sản công trong Bộ Quốc phòng được xử lý theo hình thức bán đấu giá?
Tôi muốn hỏi: Có phải Thông tư mới của Bộ Quốc phòng đã bổ sung tài sản công nào trong Bộ Quốc phòng được xử lý theo hình thức bán đấu giá hay không?- Câu hỏi của anh Chí (Quảng Nam).
Bổ sung thêm 01 tài sản công trong Bộ Quốc phòng được xử lý theo hình thức bán đấu giá?
Ngày 11/11/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 83/2023/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tại Điều 17 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về tài sản được bán đấu giá như sau:
Tài sản được bán đấu giá
Tài sản công sau đây được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ trường hợp bán các tài sản công có giá trị nhỏ theo hình thức niên yết công khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ, gồm:
1. Vật phẩm, nguyên liệu, phế liệu thu hồi sau xử lý tài sản không tận dụng được cho sửa chữa, sản xuất đạn dược quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Thông tư này.
2. Tài sản quy định tại điểm d khoản 4 Điều 13 Thông tư này sau khi vô hiệu hóa tính năng quân sự được bán đấu giá công khai cho các đơn vị đủ tư cách pháp nhân trong và ngoài Quân đội.
Tại khoản 12 Điều 4 Thông tư 83/2023/TT-BQP có quy định về tài sản tài sản được bán đấu giá trong Bộ Quốc phòng như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 126/2020/TT-BQP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định loại khỏi biên chế và xử lý tài sản nhà nước trong Bộ Quốc phòng
...
12. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 17 như sau:
“3. Tài sản đặc biệt chỉ được bán các bộ phận rời, không thể tận dụng, sử dụng cho sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật và các vật phẩm thu hồi được sau xử lý”.
Như vậy, quy định mới đã bổ sung tài sản đặc biệt chỉ được bán các bộ phận rời, không thể tận dụng, sử dụng cho sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật và các vật phẩm thu hồi thì sẽ được bán đấu giá trong Bộ Quốc phòng. Trừ trường hợp bán các tài sản công có giá trị nhỏ theo hình thức niên yết công khai hoặc bán chỉ định theo quy định của Chính phủ.
Bổ sung thêm 01 tài sản công trong Bộ Quốc phòng được xử lý theo hình thức bán đấu giá? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản thuộc Bộ Quốc phòng?
Tại Điều 15 Thông tư 126/2020/TT-BQP được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 4 Thông tư 83/2023/TT-BQP có quy định về thẩm quyền quyết định xử lý tài sản. Theo đó:
(1) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định xử lý tài sản đối với:
- Súng, pháo các loại;
- Ra đa, tổ hợp tên lửa, đạn tên lửa, máy bay;
- Xe tăng, xe thiết giáp;
- Tàu thuyền (tàu chiến đấu, tàu bổ trợ, tàu huấn luyện chiến đấu, xuồng chiến đấu); phương tiện vận tải đường thủy từ 50 tấn trở lên;
- Xe ô tô; xe máy đặc chủng; xe máy công binh;
- Vật phẩm thu hồi sau xử lý đạn dược;
- Thiết bị, vật tư hàng hóa thuộc dự trữ tại các kho của Bộ Quốc phòng và các kho ngành theo phân cấp quản lý;
- Công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II
- Bể thép có dung tích trên 50 m3 trở lên.
(2) Tổng Tham mưu trưởng quyết định xử lý tài sản là đạn dược và hóa chất độc hại.
(3) Chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng quyết định xử lý các tài sản không thuộc các trường hợp (1) và (2) được cấp có thẩm quyền giao quản lý, sử dụng.
Riêng đối với xử lý tài sản là đạn dược cấp 5 nguy hiểm, nguy cơ gây mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp:
- Trường hợp đạn dược cấp 5 nguy hiểm, nguy cơ gây mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp, Chủ nhiệm kho hoặc Trung đoàn trưởng và tương đương trở lên kiểm tra và quyết định tiêu hủy để bảo đảm an toàn theo quy trình, quy phạm hiện hành do cấp có thẩm quyền ban hành.
Sau tiêu hủy lập biên bản, kịp thời báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp và Chỉ huy cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- Chậm nhất 07 ngày sau khi xử lý xong, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng báo cáo bằng văn bản về kết quả xử lý đạn dược cấp 5 nguy hiểm, nguy cơ gây mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp theo phân cấp về Bộ Quốc phòng và đề nghị Tổng Tham mưu trưởng ra quyết định loại khỏi biên chế.
Kế hoạch bán đấu giá thuộc Bộ Quốc phòng bao gồm những nội dung gì?
Tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định kế hoạch bán đấu giá tài sản thuộc Bộ Quốc phòng bao gồm những nội dung sau:
- Danh mục, quy cách; ký mã hiệu; số lượng tài sản xử lý bán đấu giá;
- Giá khởi điểm của từng tài sản xử lý bán đấu giá;
- Địa điểm tổ chức đấu giá;
- Khoản tiền đặt trước của từng tài sản xử lý bán đấu giá;
- Thời hạn tổ chức cuộc bán đấu giá của từng lô hàng;
- Thời hạn, phương thức thanh toán, hình thức thanh toán;
- Địa điểm, thời hạn và phương thức giao hàng;
- Các nội dung khác có liên quan (nếu có).
Tiền đặt trước đấu giá tài sản thuộc Bộ Quốc phòng là bao nhiêu?
Tại Điều 28 Thông tư 126/2020/TT-BQP có quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước như sau:
Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước
1. Người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước tối thiểu là 05%, tối đa là 15% giá khởi điểm của tài sản đấu giá và không tính lãi.
Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán của cơ quan, đơn vị có tài sản đấu giá. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 05 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho Hội đồng đấu giá tài sản.
2. Hội đồng đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp Hội đồng đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá. Hội đồng đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác.
3. Người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai.
...
Như vậy, tiền đặt trước đấu giá tài sản thuộc Bộ Quốc phòng tối thiểu là 05%, tối đa là 15% giá khởi điểm của tài sản đấu giá và không tính lãi.
Trân trọng!