Ngân hàng được nắm giữ bất động sản trong trường hợp nào?
Cho tôi hỏi: Ngân hàng được nắm giữ bất động sản trong trường hợp nào? Có mấy cách xử lý bất động sản thế chấp?- Câu hỏi của chị Ngân (Hà Nội).
Ngân hàng được nắm giữ bất động sản trong trường hợp nào?
Tại Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có quy định kinh doanh bất động sản như sau:
Kinh doanh bất động sản
Tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau đây:
1. Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dụng;
2. Cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng;
3. Nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định quy định tại Điều 140 của Luật này.
Như vậy, ngân hàng được nắm giữ bất động sản trong trường hợp xử lý nợ vay tối đa 03 năm kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.
Trong 03 năm tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định.
Ngân hàng được nắm giữ bất động sản trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Có mấy cách xử lý bất động sản thế chấp?
Tại Điều 303 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, có 04 cách xử lý bất động sản thế chấp là:
(1) Bán đấu giá tài sản;
(2) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
(3) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
(4) Phương thức khác.
Khi số tiền xử lý tài sản thế chấp thấp hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xử lý như thế nào?
Tại Điều 307 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Như vậy, trường hợp số tiền xử lý bất động sản thế chấp thấp hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm.
Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Ngân hàng có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Trân trọng!