Các trường hợp nào thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người?

Các trường hợp nào thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người? Trách nhiệm của người có đất thu hồi do có nguy cơ đe dọa tính mạng là gì?

Các trường hợp nào thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người?

Căn cứ Điều 82 Luật Đất đai 2024 quy định thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng:

Điều 82. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người, không còn khả năng tiếp tục sử dụng
1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật bao gồm:
a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất bị giải thể, phá sản hoặc bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người nhận thừa kế sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự;
c) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn sử dụng đất;
d) Thu hồi đất trong trường hợp chấm dứt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
đ) Thu hồi đất trong trường hợp đã bị thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
2. Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất.
3. Các trường hợp thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người hoặc không còn khả năng tiếp tục sử dụng bao gồm:
a) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định;
b) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người; đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng.
[...]

Như vậy, các trường hợp thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:

- Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người

- Đất khác trong khu vực bị ô nhiễm môi trường không còn khả năng tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định

- Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người

- Đất khác bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác mà không còn khả năng tiếp tục sử dụng

Các trường hợp nào thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người?

Các trường hợp nào thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người? (Hình từ Internet)

Trách nhiệm của người có đất thu hồi do có nguy cơ đe dọa tính mạng là gì?

Căn cứ Điều 33 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 82 Luật Đất đai:

Điều 33. Thu hồi đất đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 82 Luật Đất đai
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g khoản 5 Điều 82 Luật Đất đai cơ quan có chức năng quản lý đất đai trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất. Trường hợp thu hồi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 82 Luật Đất đai thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 172 Luật Đất đai.
2. Trách nhiệm của người có đất thu hồi thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 32 Nghị định này.
3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Nghị định này.

Như vậy, trách nhiệm của người có đất thu hồi do có nguy cơ đe dọa tính mạng là:

- Chấp hành quyết định thu hồi đất

- Thực hiện bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại quyết định thu hồi đất.

Đất bị thu hồi do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người có được bồi thường không?

Căn cứ Điều 92 Luật Đất đai 2024 quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt:

Điều 92. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt
1. Đối với dự án đầu tư do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư phải thu hồi đất mà làm di chuyển cả cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng và cần có chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
2. Trường hợp thu hồi đất quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật này thì người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 78 và Điều 79 của Luật này.
[...]

Như vậy, đất bị thu hồi đất do có nguy cơ đe dọa tính mạng con người thì người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Cùng chủ đề
Tác giả:
Lượt xem: 0
Bài viết mới nhất

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;