Các trường hợp nào không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất? Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Các trường hợp nào không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất?
Căn cứ Điều 121 Luật Đất đai 2024 quy định chuyển mục đích sử dụng đất:
Điều 121. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp;
b) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
c) Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn;
[...]
Theo đó, các trường hợp sau không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà phải được quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:
- Chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp
- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
- Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn
- Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất
- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở
- Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp
- Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ
Các trường hợp nào không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất? Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép:
Điều 8. Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép
1. Hành vi chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 03 héc ta trở lên.
[....]
Theo quy định trên, người sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thì bị phạt tiền như sau:
[1] Chuyển đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp
Diện tích đất | Mức phạt |
Dưới 0,5 héc ta | 02 - 03 triệu đồng |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 03 - 05 triệu đồng |
Từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta | 05 - 10 triệu đồng |
Từ 03 héc ta trở lên | 10 - 30 triệu đồng |
[2] Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thuộc địa giới hành chính của xã
Diện tích đất | Mức phạt |
Dưới 0,05 héc ta | 03 - 05 triệu đồng |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 05 - 10 triệu đồng |
Từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta | 10 - 20 triệu đồng |
Từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta | 20 - 50 triệu đồng |
Từ 01 héc ta đến dưới 02 héc ta | 50 - 100 triệu đồng |
Từ 02 héc ta trở lên | 100 - 150 triệu đồng |
[3] Chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã
Diện tích đất | Mức phạt |
Dưới 0,01 héc ta | 20 - 30 triệu đồng |
Từ 0,01 héc ta đến dưới 0,3 héc ta | 30 - 50 triệu đồng |
Từ 0,03 héc ta đến dưới 0,05 héc ta | 50 - 100 triệu đồng |
Từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta | 100 - 150 triệu đồng |
Từ 01 héc ta trở lên | 150 - 200 triệu đồng |
Lưu ý: Hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tương ứng.
Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp sau:
+ Trường hợp người đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch nông thôn thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật
+ Trường hợp không thuộc trường hợp trên thì người đang sử dụng đất được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Cơ quan nào quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất?
Căn cứ Điều 123 Luật Đất đai 2024 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:
Điều 123. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước;
b) Giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
c) Giao đất, cho thuê đất đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
d) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
[...]
Như vậy, cơ quan quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân. Trường hợp cho cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định