Phá thai có được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 13/12/2022

Phá thai có được bảo hiểm y tế chi trả hay không? Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi phá thai có được hưởng bảo hiểm không? Hành vi phá thai vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

Chào anh chị, cho em hỏi em đang làm việc tại một công ty, có đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định nhà nước. Tháng rồi, em phát hiện em có thai ngoài ý muốn, anh chị cho em hỏi trong trường hợp phá thai do mang thai ngoài ý muốn thì có được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

    • Phá thai có được bảo hiểm y tế chi trả hay không?

      Tại Điều 23 Luật bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định về các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế như sau:

      1. Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 đã được ngân sách nhà nước chi trả.

      2. Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.

      3. Khám sức khỏe.

      4. Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.

      5. Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ.

      6. Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.

      7. Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi.

      8. Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

      9. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.

      11. Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác.

      13. Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

      14. Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp bạn phá thai do mang thai ngoài ý muốn thì không được bảo hiểm y tế chi trả. Trong trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ thì có thể sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

      Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi phá thai có được hưởng bảo hiểm không?

      Tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau:

      1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

      a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

      b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

      c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

      d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

      2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

      Theo đó, việc hưởng bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng trong trường hợp phá thai do bệnh lý. Trong trường hợp phá thai do mang thai ngoài ý muốn thì sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

      Hành vi phá thai vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

      Tại Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính như sau:

      1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

      2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

      3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

      4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

      5. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

      b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

      6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

      7. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này;

      b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này;

      c) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với cơ sở có hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

      Như vậy, hành vi phá thai vì lý do lựa chọn giới tính sẽ bị xử lý vi phạm hành chính tùy vào từng trường hợp cụ thể.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn