Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đâu?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 12/11/2022

Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đâu? Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm những văn bản nào? Các trường hợp nào bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Chào anh/chị, tôi hiện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được một tháng, nay tôi có dự định sẽ chuyển về thành phố khác để sinh sống cũng như làm việc, vậy thì tôi có thể nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại cơ quan nào? Hồ sơ bao gồm những văn bản gì? Mong sớm được hồi đáp.

    • Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đâu?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đâu?

      Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

      1. Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

      Như vậy, theo quy định như trên, bạn có thể nộp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

      2. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm những văn bản nào?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

      a) Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

      b) Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;

      c) Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;

      d) Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);

      đ) Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

      Theo đó, hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các văn bản là đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp; Giấy giới thiệu; quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và một số văn bản khác nếu có.

      3. Các trường hợp nào bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp?

      Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

      a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;

      b) Có việc làm

      Người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

      - Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

      - Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;

      - Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;

      - Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

      d) Hưởng lương hưu hằng tháng

      Ngày mà người lao động được xác định hưởng lương hưu là ngày đầu tiên tính hưởng lương hưu được ghi trong văn bản của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động.

      đ) Sau 02 lần người lao động từ chối việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng

      Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ chối việc làm thuộc một trong các trường hợp sau, được xác định là không có lý do chính đáng:

      - Người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ được đào tạo hoặc công việc người lao động đã từng làm được ghi trong phiếu tư vấn, giới thiệu việc làm nhưng không đến tham gia dự tuyển lao động;

      - Người lao động đã tham gia dự tuyển lao động theo giới thiệu của trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và được người sử dụng lao động tuyển dụng nhưng không nhận việc làm đã trúng tuyển, trừ trường hợp việc làm đó không đúng như thông báo tuyển lao động của người sử dụng lao động.

      e) Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 03 tháng liên tục không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định

      Ngày mà người lao động được xác định bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày kết thúc của thời hạn thông báo tìm kiếm việc làm của tháng thứ 3 liên tục mà người lao động không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.

      g) Ra nước ngoài để định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

      Ngày mà người lao động được xác định ra nước ngoài định cư, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày người lao động xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

      h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên

      Ngày mà người lao động được xác định đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên là ngày nhập học được ghi trong giấy báo nhập học.
      i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp

      Ngày mà người lao động được xác định bị xử phạt vi phạm hành chính nêu trên là ngày người lao động bị xử phạt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

      k) Chết

      Ngày xác định người lao động chết là ngày ghi trong giấy chứng tử.

      l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc

      Ngày mà người lao động được xác định chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc là ngày bắt đầu thực hiện biện pháp xử lý hành chính được ghi trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

      m) Bị tòa án tuyên bố mất tích

      Ngày mà người lao động mất tích được xác định trong quyết định của tòa án.

      n) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù

      Ngày mà người lao động được xác định bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù là ngày bắt đầu thực hiện quyết định tạm giam, chấp hành hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền.

      Như vậy, người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc vào một trong số các trường hợp theo quy định như trên.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn