Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi nào?
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi nào? Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động không? Khu vực sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc phải bao gồm những trang thiết bị nào?
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi nào?
Căn cứ Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
...
Như vậy, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động;
(2) Người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau:
- Bị tai nạn nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động 2019 và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
(3) Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn lao động trở lên.
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi nào? (Hình từ Internet)
Người sử dụng lao động có bắt buộc phải thực hiện sơ cứu cho người lao động bị tai nạn lao động không?
Căn cứ Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động, cụ thể như sau:
Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động
1. Kịp thời tổ chức sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
3. Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước Điều tra theo quy định của Nghị định này và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.
4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
..
Như vậy, người sử dụng lao động có trách nhiệm sơ cứu kịp thời cho người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động. Hành vi không kịp thời sơ cứu cho người bị nạn là hành vi vi phạm pháp luật trong công tác an toàn lao động.
Khu vực sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc phải bao gồm những trang thiết bị nào?
Căn cứ theo Phụ lục 5 Danh mục trang thiết bị của khu vực sơ cứu cấp cứu ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BYT quy định về khu vực sơ cứu cấp cứu tại nơi làm việc phải bao gồm những trang thiết bị như sau:
- Túi sơ cấp cứu tại nơi làm việc
- Bồn rửa tay có đủ nước sạch
- Giấy lau tay
- Tạp dề ni lông
- Tủ lưu giữ hồ sơ
- Đèn pin
- Vải, toan sạch
- Cặp nhiệt độ
- Giường, gối, chăn
- Cáng cứng
- Xà phòng rửa tay
- Dụng cụ chứa chất thải nguy hại và không nguy hại
- Bô hoặc chậu chứa chất thải của bệnh nhân
- Ghế đợi
- Tủ đựng vật tư tiêu hao và các dụng cụ, phương tiện sơ cứu, cấp cứu.
Trân trọng!