Mức hưởng bảo hiểm y tế của thân nhân người có công với cách mạng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 16/02/2017

Mức hưởng bảo hiểm y tế của thân nhân người có công với cách. Xin cho hỏi: Mẹ tôi được hưởng chế độ bảo hiểm từ chồng là bệnh binh 2/3, quê ở Mỏ Cày, Bến Tre. Mẹ tôi muốn mổ thay khớp tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh mà muốn sử dụng bảo hiểm để được giảm phí. Nếu xin bệnh viện tỉnh có cấp giấy đồng ý cho mẹ tôi chuyển bảo hiểm lên Sài Gòn mổ thì được miễn giảm gì không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Theo như bạn trình bày, mẹ bạn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế từ chồng là bệnh binh 2/3, như vậy mẹ bạn thuộc đối tượng quy định tại Điểm k Khoản 3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008:

      Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm: Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này.

      Điều 22 Luật bảo hiểm y tế 2008 quy định Mức hưởng bảo hiểm y tế như sau:

      "1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

      a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm;

      b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

      c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

      d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;

      đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

      2. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

      3. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

      a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

      b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước;

      c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

      4. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

      5. Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

      6. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.

      7. Chính phủ quy định cụ thể mức hưởng đối với việc khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các địa bàn giáp ranh; các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và các trường hợp khác không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này."

      Theo quy định trên, nếu mẹ bạn đi chữa bệnh đúng tuyến thì sẽ được hưởng 95% chi phí chữa bệnh. Do đó, khi đi chữa bệnh, mẹ bạn phải có giấy chuyển tuyến để được hưởng mức hưởng bảo hiểm y tế cao nhất. Nếu không có giấy chuyển tuyến tức có nghĩa là mẹ bạn đi chữa bệnh trái tuyến, thì mức hưởng của mẹ bạn là 40% chi phí điều trị nội trú nếu điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương, tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60%.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về mức hưởng bảo hiểm y tế của thân nhân người có công với cách. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật bảo hiểm y tế 2008 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn