Giáo viên tiểu học hưởng chế độ thai sản trùng với kỳ nghỉ hè có được nghỉ bù không?
Giáo viên tiểu học hưởng chế độ thai sản trùng với kỳ nghỉ hè có được nghỉ bù không? Chế độ thai sản áp dụng đối với các đối tượng nào? Cách tính bảo hiểm thai sản chính xác nhất năm 2024?
Giáo viên tiểu học hưởng chế độ thai sản trùng với kỳ nghỉ hè có được nghỉ bù không?
Căn cứ Mục 3 Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB năm 2017 quy định như sau:
3. Thời gian nghỉ hè của giáo viên bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm là 8 tuần đối với giáo viên mầm non (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT) và 02 tháng đối với giáo viên phổ thông (khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT). Thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường. Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT).
Do đó trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật Lao động. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính.
Theo đó, các trường có thể giải quyết chế độ thai sản cho giáo viên theo 02 phương án:
- Phương án 1: Căn cứ vào kế hoạch năm học, đặc điểm, điều kiện, quy mô cụ thể của từng trường, giáo viên sẽ được sắp xếp nghỉ bù.
Thời gian nghỉ bù của giáo viên tính như thời gian nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
- Phương án 2: Nếu do yêu cầu công tác, nhà trường không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên được thanh toán tiền nghỉ hằng năm.
Mức chi trả tiền nghỉ hằng năm căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, nhưng tối đa không quá mức tiền lương làm thêm giờ vào ngày Thứ bảy, Chủ nhật.
Như vậy, nếu giáo viên tiểu học nghỉ thai sản trùng kỳ nghỉ hè thì có thể được bố trí ngày nghỉ khác hoặc sẽ được thanh toán tiền nghỉ hàng năm.
Giáo viên tiểu học hưởng chế độ thai sản trùng với kỳ nghỉ hè có được nghỉ bù không? (Hình từ Internet)
Chế độ thai sản áp dụng đối với các đối tượng nào?
Căn cứ Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ thai sản:
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Như vậy, bảo hiểm thai sản áp dụng đối với người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
- Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn
- Người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ
- Người làm việc theo theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng
- Cán bộ, công chức, viên chức
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương
Cách tính bảo hiểm thai sản chính xác nhất năm 2024?
Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản:
Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
Như vậy, cách tính bảo hiểm thai sản của người lao động năm 2024 được quy định như sau:
[1] Mức hưởng một tháng
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
[2] Mức hưởng một ngày đối với lao động nam nghỉ khi vợ sinh con và lao động nữ nghỉ khám thai
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản : 24 ngày
Lưu ý:
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
- Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
- Trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp nghỉ hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý hoặc thực hiện các biện pháp tránh thai thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.