Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp nào?
Doanh nghiệp bảo hiểm là gì? Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp nào?
Doanh nghiệp bảo hiểm là gì?
Căn cứ khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
17. Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.
...
Như vậy, doanh ghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ,
- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ,
- Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp nào?
Căn cứ Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm:
Các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm
1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:
a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;
b) Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình;
đ) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
2. Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau:
- Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực
- Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
- Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng trừ trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
- Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình
- Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm?
Căn cứ Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:
- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.
- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.
- Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:
+ Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
+ Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.
- Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Trân trọng!