Đề xuất phân chia giảng viên thành ngạch nghiên cứu và giảng dạy

"Nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ chuyển biến, làm nền tảng xây dựng các trường đại học định hướng nghiên cứu khi chúng ta đổi mới cơ chế quản lý, phân ngạch cán bộ giảng viên", TS Đinh Bá Khương (Đại học Hoàng gia London) chia sẻ.

 

Luật giáo dục đại học (ban hành năm 2012, có hiệu lực từ đầu năm 2013) quy định trường đại học được phân tầng thành ba loại: định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Từ đó đến nay, định hướng nghiên cứu đang là chiến lược và mục tiêu phát triển của nhiều trường ở Việt Nam. Để thực hiện thành công mô hình này, công tác nghiên cứu khoa học phải được xem là ưu tiên hàng đầu và đội ngũ giảng viên ở các trường cần được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa tiềm lực sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học.

Trước hết, các trường nên phân giảng viên thành hai ngạch, đó là giảng viên với nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khoa học (có tham gia giảng dạy nhưng số giờ được giảm thiểu), và ngạch còn lại sẽ chú trọng công tác giảng dạy (vẫn cần có tham gia nghiên cứu khoa học nhưng yêu cầu ít hơn), để tránh sự quá tải trong công việc. Thực tế bên cạnh phải đảm bảo số giờ dạy nhiều, giảng viên còn chịu áp lực khá lớn đối với yêu cầu nghiên cứu khoa học, thể hiện bằng chỉ tiêu bắt buộc số bài báo công bố hoặc số đề tài nghiên cứu thực hiện, trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn.

Họ còn phải dành thời gian cho công tác phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn (của Bộ Giáo dục, tiêu chuẩn AUN, ABET…) mà nhiều trường đang triển khai, hay phải tham dự các khóa học cải cách sư phạm, đổi mới khung chương trình đào tạo, hoặc những công việc hành chính không tên khác theo yêu cầu của nhà trường. Việc quá tải và chịu áp lực liên tục, trong khi thu nhập lại không tương xứng như hiện nay, có thể khiến nhiều giảng viên không thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất theo đúng sở thích, khả năng cũng như tâm huyết của mình, mà dễ làm họ sẽ “chạy” theo công việc một cách đối phó, miễn cưỡng và mang tính hình thức.

Vì vậy, việc phân ngạch giảng viên theo đam mê, nguyện vọng và thế mạnh của mỗi cá nhân sẽ giúp họ phát huy tối đa năng lực trong từng mảng việc cụ thể.

Ảnh minh họa

Trong quá trình thực hiện mục tiêu đại học định hướng nghiên cứu, một vấn đề khác cần được chú trọng là đẩy mạnh sự liên kết giữa giảng viên trong cùng một trường và giữa các trường với nhau để tạo thành những nhóm nghiên cứu mạnh, hoạt động hiệu quả và thực chất. Sự gắn kết này không chỉ giúp giảng viên, nhà khoa học trao đổi học thuật, cùng tham gia hợp tác nghiên cứu cho ra những sản phẩm khoa học được cộng đồng quốc tế thừa nhận (thể hiện qua việc xuất bản các bài báo trên tạp chí chuyên ngành uy tín của thế giới), mà còn giúp các nhóm nghiên cứu chứng minh được năng lực để có thể xin được nguồn tài trợ với kinh phí lớn cho các đề tài. Từ đó tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho đội ngũ giảng viên này. Bởi khi không tham gia giảng dạy nhiều mà dành thời gian chính cho công tác nghiên cứu thì thu nhập cá nhân của họ sẽ sụt giảm đáng kể, do không còn nhận khoản tiền đứng lớp. 

Cần ghi nhận rằng, từ năm 2008, sự ra đời của quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), cùng với chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đạt được những bước tiến, cả về chất và lượng, cũng như cải thiện thu nhập của người làm khoa học. Tuy nhiên, để tạo nên những bước đột phá trong lĩnh vực này, cần có sự đầu tư kinh phí mạnh mẽ và lâu dài hơn cho các đề tài khoa học, thay vì thông thường 2-3 năm cho một đề tài như hiện nay. Điều này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả thông qua mô hình trung tâm xuất sắc (centre of excellence), được hình thành dựa trên sự liên kết, hợp tác giữa giảng viên, nhà khoa học thuộc các cơ sở giáo dục đại học khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một dự án nghiên cứu có quy mô lớn và được Nhà nước đồng ý hỗ trợ kinh phí sau khi đã xét duyệt đề cương.

Trung tâm xuất sắc tạo ra từ mô hình trên chắc chắn sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” về thành tựu khoa học cho các trường theo định hướng nghiên cứu. Các trung tâm này có thể duy trì hoạt động trong 5-10 năm, tùy theo quy mô của dự án nghiên cứu và nguồn tiền được Nhà nước đầu tư. Nếu so sánh với kinh phí Nhà nước đã chi tiêu vào một số đề án giáo dục và khoa học công nghệ, ví dụ đề án tin học hóa hành chính vào đầu những năm 2000 là hơn 1.500 tỷ đồng và đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 là cỡ gần 10.000 tỷ đồng, thì kinh phí cho một trung tâm nghiên cứu hoặc một nhóm nghiên cứu hoạt động hiệu quả trong khoảng vài năm ở Việt Nam không phải là điều bất khả thi.

Nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ có thể có sự chuyển biến lớn, làm nền tảng để xây dựng các trường đại học định hướng nghiên cứu, một khi chúng ta chịu đổi mới cơ chế quản lý, phân ngạch cán bộ giảng viên, nhằm giảm thiểu áp lực công việc và tối ưu hóa hiệu quả làm việc của đội ngũ này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng hơn nữa, tạo điều kiện khuyến khích sự gắn kết giữa các giảng viên, nhà khoa học của các trường, cho họ không gian tự do học thuật, lành mạnh, để từ đó hình thành các trung tâm, nhóm nghiên cứu đủ sức tiếp cận được với trình độ của các nước phát triển trên thế giới.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
423 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;