Có thể đi tù nếu Livestream xúc phạm người khác?

Hiện nay, nhiều người dùng Facebook có xu hướng sử dụng công cụ Livestream để giao tiếp trên mạng xã hội, tuy nhiên, không ít trong số đó có những hành vi ứng xử phản cảm, đặc biệt là hành vi chửi bới, xúc phạm người khác. Vậy những hành vi này được xử lý như thế nào?

Livestream xúc phạm người khác

Có thể đi tù nếu Livestream xúc phạm người khác? (Ảnh minh họa)

Facebook là một xã hội thu nhỏ, trong đó, livestream là một công cụ hữu ích để giao tiếp, giúp con người bày tỏ quan điểm, chia sẻ tâm tư, cảm xúc cũng như truyền tải thông tin, sự kiện đến cộng đồng. Ở đây con người cũng có quyền tự do cá nhân, tự do ngôn luận nhưng có một điều đáng buồn là họ đang hiểu sai lệch về quyền này, không ít người đánh đồng quyền tự do ngôn luận với hành vi vi phạm pháp luật là lăng mạ, chửi bới, xúc phạm người khác.

Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 đã quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định chi tiết và khẳng định rằng: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".

Dù là ở môi trường nào thì mọi người cũng phải tuân thủ theo quy định pháp luật, do đó, hành vi chửi bới, xúc phạm người khác thông qua livestream trên mạng xã hội có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định như sau:

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

...

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thậm chí, nếu người livestream xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì tùy vào mức độ của hành vi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. Cụ thể, theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì tùy vào mức độ vi phạm, trường hợp này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 05 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, để livestream một cách văn minh, đúng luật, trước hết mỗi người đều phải tôn trọng người khác và biết kiểm soát phát ngôn của mình, hạn chế mọi xung đột không đáng có từ hoạt động livestream. Đồng thời, người sử dụng cần phải có sự hiểu biết tối thiểu các quy định pháp luật để không đi quá giới hạn hoặc để nắm rõ quyền của mình trong các trường hợp bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Hải Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1627 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;