5 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 4

Tiếp theo bài viết Tổng hợp chính sách mới có hiệu lực từ đầu tháng 4/2016, sau đây, Thư Ký Luật sẽ giới thiệu 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 11 – 20/4/2016.

1. Chủ cơ sở sản xuất thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ

Theo Thông tư 57/2015/TT-BCT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương thì các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các điều kiện chung sau:

- Chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về ATTP (còn hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Chủ cơ sở, những người tham gia trực tiếp sản xuất của cơ sở phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên và có Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.

Ngoài ra, Thông tư 57 cũng đề ra các yêu cầu đối với khu vực sản xuất sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và nước sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm…

Thông tư 57/2015/TT-BCT có hiệu lực từ 15/4/2016.

2. Các trường hợp vi phạm được cảnh báo trên Hệ thống đăng ký DN

Từ ngày 15/4/2016, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn trao đổi thông tin về doanh nghiệp (DN) giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN và Hệ thống thông tin thuế có hiệu lực.

Theo đó, các trường hợp vi phạm pháp luật (VPPL) bị cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN bao gồm:

- Người thành lập, người quản lý DN có dấu hiệu VPPL hình sự, đã bị cơ quan thuế chuyển cơ quan điều tra theo quy định.

-  DN có người thành lập, người quản lý DN mà trước đó là người thành lập, người quản lý của DN đã bị cơ quan thuế thông báo không còn kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký.

- Chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh vi phạm quy định tại Điều 175, Điều 183 Luật DN.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, đăng ký tạm ngừng kinh doanh của DN, Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các trường hợp nêu trên để xử lý theo quy định của Luật DN.

Xem chi tiết tại Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC.

3. Các giao dịch chi trên tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ

Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của DN được ban hành ngày 26/02/2016.

Theo đó, tài khoản vay, trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch chi sau đây:

- Chi chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài.

- Chi chuyển ra nước ngoài để thanh toán khoản nhận nợ bắt buộc cho bên bảo lãnh là người không cư trú theo quy định tại Chương V Thông tư này.

- Chi chuyển sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của bên đi vay.

- Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép.

- Chi chuyển sang tài khoản ngoại tệ của bên đi vay mở tại nước ngoài để thực hiện các cam kết theo thỏa thuận vay nước ngoài.

- Chi chuyển tiền thanh toán các loại phí theo thỏa thuận vay nước ngoài.

- Chi chuyển đổi ngoại tệ để trả nợ (gốc, lãi) của khoản vay nước ngoài trong trường hợp đồng tiền trả nợ không phải là đồng tiền của tài khoản vay, trả nợ nước ngoài.

Thông tư 03/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/4/2016.

4. Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân

Ngày 04/3/2016, Bộ Công an ban hành Thông tư 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD).

Theo đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin thực hiện như sau:

- Thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại cho công dân (nếu có); thu thẻ CCCD đối với trường hợp đổi thẻ CCCD.

- Nhập thông tin về loại cấp thẻ CCCD (cấp, đổi, cấp lại), thông tin nhân thân, đặc điểm nhận dạng của công dân.

- Thu nhận vân tay của công dân.

- Chụp ảnh chân dung của công dân.

- In phiếu thu nhận thông tin CCCD, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên.

- Thu lệ phí nếu đổi, cấp lại thẻ CCCD theo quy định.

- Giao giấy hẹn trả kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân.

- Bàn giao hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho cán bộ phân loại.

Thông tư 11/2016/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 20/4/2016 và thay thế Thông tư 07/2014/TT-BCA.

5. Hướng dẫn thu phí kiểm định phương tiện PCCC

Ngày 03/3/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 42/2016/TT-BTC hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Theo đó, cá nhân, tổ chức khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm định phương tiện PCCC thì phải nộp phí kiểm định.

Mức thu phí kiểm định phương tiện PCCC được quy định cụ thể tại Biểu phí đính kèm Thông tư này.

Các chi phí vật tư, công tác phí cần thiết phát sinh khi kiểm định; chi phí in và dán tem kiểm định do tổ chức, cá nhân yêu cầu kiểm định chi trả theo thực tế phát sinh, phù hợp quy định pháp luật.

Cơ quan thu phí được giữ lại 90% tiền thu phí để chi phí cho công tác kiểm định phương tiện PCCC, 10% tiền thu phí còn lại sẽ nộp vào ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 42.

Thông tư 42/2016/TT-BTC có hiệu lực từ 20/4/2016.

 

1023 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;