05 Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019

Từ 01/01/2019 nhiều Nghị định mới bắt đầu có hiệu lực thi hành, Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu một số điểm nổi bật của các Nghị định như sau:

 

  1. Từ 01/01/2019, áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới

Ngày 16/11/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cụ thể:

  • Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng;
  • Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng;
  • Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng;
  • Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.

Thêm vào đó, một số địa phương thuộc các tỉnh, thành phố như Tiền Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Dương cũng có sự điều chỉnh khi áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới.

Chi tiết xem tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

  1. Người lao động được ý kiến sửa đổi, bổ sung thang, bảng lương

Đây là một trong những nội dung người lao động được quyền tham gia ý kiến để đảm bảo quyền dân chủ ở nơi làm việc quy định tại Nghị định 149/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Nghị định 149 nêu rõ quyền được tham gia ý kiến của người lao động đối với các nội dung như:

  • Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động;
  • Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể;
  • Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ;
  • Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
  1. Không yêu cầu trình độ tiếng Anh đối với đăng kiểm viên xe cơ giới

Đây là quy định mới đáng chú ý tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Theo đó, bãi bỏ 02 điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới, cụ thể là yêu cầu về trình độ tiếng Anh và được tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới. Như vậy đăng kiểm viên xe cơ giới chỉ cần đáp ứng 04 điều kiện sau là được cấp Giấy chứng nhận:

  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật cơ khí;
  • Có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên;
  • Có kết quả đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới;
  • Có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.

Chi tiết xem tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2019, thay thế Nghị định 63/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016.

  1. Nghị định 156 bãi bỏ hàng loạt văn bản về bảo vệ và phát triển rừng

Chính phủ ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Theo đó, bãi bỏ hàng loạt văn bản ( gồm 07 Nghị định, 10 Quyết định, 20 Thông tư và Thông tư liên tịch) về bảo vệ và phát triển rừng, đơn cử như:

  • Nghị định 09/2006/NĐ-CP về phòng cháy và chữa cháy rừng;
  • Nghị định 23/2006/NĐ-CP Về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
  • Nghị định 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng;
  • Quyết định 178/2001/QĐ-TTg Về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;
  • Thông tư 38/2007/TT-BNN Hướng dẫn trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn;
  • Thông tư 05/2008/TT-BNN Hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Chi tiết xem thêm Phụ lục đính kèm Nghị định 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

  1. Miễn thuế, lệ phí xuất,nhập khẩu cho hàng hóa cho hàng hóa cứu trợ thiên tai

Ngày 29/11/2018 Chính phủ thông qua Nghị định 160/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai, có hiệu lực áp dụng từ 01/01/2019. Theo đó quy định:

  • Miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai.
    Trường hợp lượng hàng hóa để lại Việt Nam được sử dụng vào mục đích khác phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Đối với người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: Được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực thì được cấp thị thực tại cửa khẩu.
  • Đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai thì được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.
3477 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;