Một số bất cập trong chính sách tiền lương của Việt Nam

Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách trong lĩnh vực tiền lương nhằm hướng tới một chính sách tiền lương hợp lý, nhưng lộ trình cải cách này còn nhiều bất cập

Vấn đề cải cách tiền lương được đề cập đến lần đầu tiên trong Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW Đảng lần thứ 8, khoá V (tháng 6/1985). Từ năm 1993, Nhà nước đã 14 lần điều chỉnh mức lương cơ bản chung theo hướng tăng dần để phù hợp với sự biến động giá cả trên thị trường, khắc phục những hạn chế của thời kỳ trước, tạo sự hài hoà về lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, quá trình cải cách tiền lương ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể:

Mức lương tối thiểu quá thấp.

Tiền lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người làm công ăn lương được hưởng. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hiện nay không đủ để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt, ăn, ở... của người lao động. Ngoài ra, lương tối thiểu còn là căn cứ để tính các khoản lương hưu, trợ cấp thôi việc... Vì thế, trong khi nhiều nước đã có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu định kỳ hàng năm, thì Việt Nam lại không thể thực hiện được do tiền lương tối thiểu có quá nhiều ràng buộc với hệ thống an sinh.

Hệ thống thang, bảng lương quá phức tạp và không hợp lý.

Hệ thống thang, bảng lương biểu thị mối quan hệ về tiền lương giữa các ngành, lĩnh vực và các loại lao động khác nhau. Nhiều ngành nghề khó xác định được tiêu chuẩn kỹ thuật đối với người lao động, do đó cách tính lương bao gồm mức lương tối thiểu nhân với một hệ số nhất định. Đây là một sự ngầm định để tính theo mức độ phức tạp lao động, điều kiện lao động và thâm niên công tác dẫn đến trong nhiều trường hợp chưa thật sự hợp lý và công bằng. Tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác quá thấp đối với khoảng 1/3 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả, nhưng lại quá cáo so với 2/3 cán bộ, công chức, viên chức làm việc không hiệu quả (theo Đặng Như Lợi, 2016).

Tỷ lệ người hưởng lương từ ngân sách cao.

Việt Nam là quốc gia thuộc diện nghèo nhưng lại có tỷ lệ người hưởng lương từ ngân sách Nhà nuớc cao nhất khu vực. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức; nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách thì con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số.

Gánh nặng ngân sách còn do chúng ta trả lương theo vị trí công chức chứ không phải theo công việc. Với sự trả lương này sẽ làm mất đi sự công bằng trong về hưởng thụ trong quan hệ tiền lương giữa các loại lao động, triệt tiêu động lực lao động. Cũng vì lẽ đó mà hiện nay tiền lương chưa gắn với trách nhiệm và chất lượng công việc, chưa chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thu nhập của người lao động, là một biểu hiện trái với quy luật thị trường lao động, vì thu nhập từ tiền lương chủ chiếm 30% còn 70 % là từ tiền thưởng, phụ cấp và các nguồn thu nhập thêm khác.

Từ thực tiễn đó, thiết nghĩ cần sớm thực hiện các biện pháp khắc phục những bất cập trên trong thời gian tới như: đổi mới tư duy trong cải cách tiền lương; cải cách chính sách tiền lương tối thiểu; cải cách hệ thống thang bảng lương; điều chỉnh cơ chế thoả thuận tiền lương theo cơ chế thị trường; đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương; giảm đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước...


Nguồn: Tạp chí kinh tế và Dự báo

Tác giả: TS. Nguyễn Thế Bính (Trường Đại học ngân hàng TP. HCM).

 

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4017 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;