07 việc phải làm sau khi thành lập doanh nghiệp

Sau khi được cấp GCN đăng ký thành lập, doanh nghiệp cần hoàn thành thêm một số thủ tục để đi vào hoạt động của mình. Dưới đây là 07 việc phải làm sau khi thành lập doanh nghiệp.

thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014

07 việc phải làm sau khi thành lập doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

1. Thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp lệ phí môn bài

Theo Điều 5 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định việc khai lệ phí môn bài được thực hiện 01 lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập. Cụ thể:

  • Người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30/01 năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập.

  • Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài. Cơ quan thuế căn cứ tờ khai thuế, cơ sở dữ liệu ngành thuế để xác định doanh thu kinh doanh làm căn cứ tính mức lệ phí môn bài phải nộp của hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán.

>>> Xem thêm: 05 điểm lưu ý về lệ phí môn bài áp dụng từ ngày 05/12/2020

2. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp

Sau khi thành lập, để tham gia giao dịch với khách hàng cũng như thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục mở tài khoản ngân hàng.Cụ thể, doanh nghiệp cần chọn ngân hàng muốn mở tài khoản và chuẩn bị một số giấy tờ theo yêu cầu của ngân hàng như: 

  • Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu của ngân hàng (đã ký và đóng dấu);

  • Chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật và kế toán trưởng (bản sao công chứng);

  • Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng);

  • Giấy đăng ký mẫu dấu (bản sao công chứng);

  • Một số giấy tờ khác theo quy định riêng của mỗi ngân hàng: Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng, Bản cam kết góp vốn, Bản sao Điều lệ công ty,…

3. Đăng ký tài khoản khai thuế điện tử

Doanh nghiệp truy cập vào website chính thức của Tổng cục Thuế nhantokhai.gdt.gov.vn để đăng ký tài khoản khai thuế điện tử.

Sau khi có tài khoản, doanh nghiệp tiếp tục truy cập vào website nopthue.gdt.gov.vn và tiến hành hoàn thành nghĩa vụ thuế theo hướng dẫn.

>>> Xem thêm: Khai thuế GTGT và thuế TNCN theo quý cần đáp ứng tiêu chí nào từ 05/12?

4. Thực hiện góp vốn theo cam kết ban đầu

Theo khoản 2 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.

Lưu ý: Sau thời hạn trên mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

  • Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

  • Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

  • Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

Đáng chú ý tại khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2021) quy định thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

>>> Xem thêm: 05 nội dung đáng chú ý khi thành lập doanh nghiệp từ năm 2021

5. Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

Theo khoản 3 Điều 36 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế. 

Đặc biệt, theo Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/7/2022) quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ; doanh nghiệp là tổ chức kết nối chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo một trong 02 hình thức sau:

  • Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

  • Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế ủy thác cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022

6. Làm con dấu cho doanh nghiệp

Tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp phải tiến hành làm con dấu và thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trước khi sử dụng.

Cụ thể tại Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định nội dung Điều lệ công ty hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm: mẫu con dấu (hình thức, kích cỡ, nội dung, màu mực dấu); số lượng con dấu; quản lý và sử dụng con dấu. Khi làm con dấu, doanh nghiệp phải bảo đảm nội dung con dấu thể hiện những thông tin sau đây:

  • Tên doanh nghiệp;

  • Mã số doanh nghiệp.

Lưu ý: Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.

Đáng chú ý tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không phải thực hiên thủ tục thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng nữa.

>>> Xem thêm: 04 điểm mới về con dấu doanh nghiệp áp dụng từ 01/01/2021

7. Treo biển hiệu tại trụ sở chính của doanh nghiệp

Theo Điều 34 Luật Quảng cáo quy định biển hiệu của doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phải có các nội dung sau:

  • Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

  • Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

  • Địa chỉ, điện thoại.

Lưu ý: Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2454 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;