Sự kiện bất khả kháng là gì?

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép

Thông thường, khi thiệt hại xảy ra trên thực tế thì người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu thỏa mãn đầy đủ các điều kiện:

  • Có hành vi vi phạm;
  • Có lỗi của bên vi phạm;
  • Có thiệt hại xảy ra trên thực tế;
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.

Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ, có hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra trên thực tế nhưng không phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đó chính là khi vi phạm do sự kiện bất khả kháng. Trong pháp luật hợp đồng, điều khoản bất khả kháng được xem là một trong những điều khoản quan trọng mà các bên cần soạn thảo kĩ lưỡng. 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự 2005 thì: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép." Từ định nghĩa này có thể hiểu đơn giản, bất khả kháng là sự kiện mà các bên không thể lường trước được, tức là nằm ngoài khả năng tính toán của các bên. 

Có ba loại sự kiện bất khả kháng thường gặp nhất, đó là:

  • Thiên tai. Ví dụ: Vì điều kiện thời tiết mà bên A không thể tiến hành đúng tiến độ dự án như đã thỏa thuận.
  • Chiến tranh. Ví dụ: Sau cuộc khủng bố của IS, bên A bị thiệt hại nặng về tài sản nên không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với bên B.
  • Quyết định chính trị, thay đổi pháp luật. Ví dụ: Cuối năm 2015, A và B có thỏa thuận mua bán mặt hàng X. Đến khi B nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì không được, vì nhà nước Việt Nam đã ra quyết định cấm nhập khẩu hàng hóa X.

Trong một số hợp đồng, ngoài việc thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng, kèm theo nó còn có thỏa thuận về thông báo trong trường hợp xảy ra sự kiện này và hậu quả của việc không thông báo. Ví dụ như mất quyền được miễn trách nhiệm hoặc kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng nên:

  • Gửi đến bên kia thông báo về sự kiện bất khả kháng trong thời hạn đã thỏa thuận hoặc trong một khoảng thời gian hợp lý;
  • Văn bản, giấy tờ có giá trị chứng minh sự kiện bất khả kháng có xảy ra trên thực tế do cơ quan, nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Nhìn chung quyền xác nhận sự kiện bất khả kháng thường do Phòng thương mại và công nghiệp thực hiện.

Như vậy, không phải cứ có thiệt hại trên thực tế thì bên gây ra thiệt hại phải bồi thường. Bởi trong trường hợp vi phạm do sự kiện bất khả kháng, bên bị ảnh hưởng nếu thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoặc các thỏa thuận khác cho bên kia thì được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Những văn bản có liên quan:

Bộ luật Dân sự 2015

31599 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;