Làm nhục người khác là vi phạm pháp luật

Nói xấu người khác, chắc hẳn ai cũng có một lần trong đời và với một số người thì đó là thói quen. Nhưng cẩn thận kẻo thói quen trở thành tội thì chỉ đem phiền phức về mình.

Trong giới showbiz, việc nói xấu nhau cứ như cơm bữa. Mới đây, Lâm Chi Khanh đã rất bức xúc vì một đoạn ghi âm kéo dài 4 phút thóa mạ mình nghi ngờ là của Hương Giang Idol. "Thóa mạ" được hiểu là việc sỉ nhục người khác, xúc phạm nặng nề đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của họ.

Hiến pháp, đạo luật tối cao, trao cho mỗi công dân quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của mình. Điều 37 Bộ luật Dân sự 2005 cũng có nói: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trong và được pháp luật bảo vệ". Chính vì lẽ đó, hành vi làm nhục người khác không những chẳng đẹp mà còn bị pháp luật xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị hại. Cụ thể:

Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999 quy định tội làm nhục người khác:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

  • Phạm tội nhiều lần;
  • Đối với nhiều người;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Đối với người thi hành công vụ;
  • Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người cố ý làm nhục người khác còn phải bồi thường một khoản tiền cho những mất mát về tinh thần mà họ phải gánh chịu. Bởi theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 thì: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Như vậy, nếu cảm thấy danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm phạm thì chúng ta có quyền khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền lợi cho mình. Thế nhưng, việc chứng minh thuộc hoàn toàn trách nhiệm của người đi kiện. Và trong trường hợp trên thì băng ghi âm có được xem là chứng cứ để chứng minh không?

Theo pháp luật hiên hành, băng ghi âm được coi là một trong các nguồn của chứng cứ (căn cứ theo Điều 82 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Nhưng không phải lúc nào băng ghi âm cũng được Tòa án công nhân mà phải đảm bảo một số điều kiện.

Cụ thể, để được xem là chứng cứ thì khi xuất trình băng ghi âm phải có kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Các tài liệu này có thể là băng ghi âm, đĩa ghi âm, bằng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh… (theo Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP).

Ví dụ trong trường hợp trên, khi giao nộp băng ghi âm đó phải xuất trình cho Tòa án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải có kết quả giám định giọng nói có trùng khớp với bị đơn hay không.

1685 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;