Gian nan trợ giúp pháp lý cho người dân

Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, ...” và việc ban hành những quy định pháp luật cũng luôn nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền công dân ấy. Đặc biệt đối với người dân nghèo, yếu thế trong xã hội việc bảo vệ những quyền ấy càng được quy định chặt chẽ hơn.

Vì những lẽ trên mà năm 2006 Luật trợ giúp pháp lý được ban hành. Qua đó, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật trợ giúp pháp lý trong những năm qua còn gặp phải những bất cập như sau:

  • Tổ chức bộ máy ở một số địa phương còn khá cồng kềnh. Nhiều cơ sở, chi nhánh thành lập ra nhưng không đủ nguồn lực hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Hoạt động trợ giúp pháp lý không đảm bảo tính độc lập, khách quan mà còn phụ thuộc nhiều về kinh phí, biên chế của cơ quan nhà nước;
  • Các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý chưa thể hiện được bản chất dịch vụ trợ giúp pháp lý là hỗ trợ cho xã hội, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm và bảo đảm, đôi khi có sự nhầm lẫn trong cách hiểu giữa trợ giúp pháp lý quy định ở Luật luật sư và Luật trợ giúp pháp lý, dẫn đến hiệu quả hoạt động các loại dịch vụ này chưa cao. Ngoài những chủ thể được quy định trong Luật trợ giúp pháp lý thì trên thực tế còn có một số tổ chức khác cũng đang sử dụng thuật ngữ trợ giúp pháp lý để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng khác nhau trong xã hội như các tổ chức sự nghiệp của Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo ở Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam…
  • Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý trong Luật chưa bao gồm đầy đủ những người không có điều kiện chi trả cho sự giúp đỡ pháp lý như người thuộc hộ cận nghèo hay không tương tích với người có điều kiện chi trả như nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng chống mua, bán người 2011 hoặc người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi 2009.
  • Người thực hiện trợ giúp pháp lý có sự chênh lệch về tiêu chuẩn, điều kiện, trình độ chuyên môn giữa Trợ giúp viên pháp lý và luật sư trong việc tham gia tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác. Chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế so với yêu cầu công tác trợ giúp pháp lý;
  • Việc khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý không khả quan vì chưa có quy định cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, biện pháp cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ những hạn chế trên, Bộ Tư pháp đã đề xuất xây dựng Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Vừa qua ngày 8/6/2016, Bộ Tư pháp đã chính thức công bố Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý. Dự thảo sẽ được lấy ý kiến rộng rãi đến ngày 27/07/2016 và dự kiến thông qua tại Khóa XIV - Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. 

 

841 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;