Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Luật Tiếp cận thông tin tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Theo đó, chủ thể quyền tiếp cận thông tin là công dân. Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ. Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác.

Luật cũng xác định rõ nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Trong đó có nguyên tắc: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Luật quy định công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan nhà nước công khai;  Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận, Luật quy định về thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận và thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.

Để bảo đảm cho thông tin được công khai và phổ biến đến người dân ở phạm vi rộng nhất, Luật quy định các loại thông tin và cách thức công khai thông tin trên trang/cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và đăng Công báo, niêm yết. Theo đó, Luật quy định các thông tin phải được công khai bao gồm những thông tin rất quan trọng như: Văn bản quy phạm pháp luật; điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước; thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, địa phương; Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Luật cũng quy định: Ngoài thông tin quy định nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ và quy định các thông tin cụ thể bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin/cổng thông tin điện tử để người dân có thể tiếp cận.

Để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật này.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy cập, tìm kiếm thông tin, Luật Tiếp cận thông tin quy định giao các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định tại Luật phải lưu giữ hồ sơ, tài liệu đã được nhập vào danh mục và phải xếp loại theo cách thức, hình thức tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thông tin có thể được lưu trữ điện tử, phải được số hóa trong một thời hạn thích hợp và được để mở cho mọi người tiếp cận; đồng thời, phải kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập dễ dàng từ các hệ thống khác nhau.

Luật cũng yêu cầu cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được liên kết, tích hợp với cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trực thuộc để cập nhật thông tin, tạo thuận lợi cho công dân trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin…

Nguồn: infonet.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

457 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;